một đồng, nhưng hai đứa sợ đêm mưa đã đưa nhau vào trong chợ, ở đây có
không biết bao nhiêu trẻ con người lớn nằm ngồi la liệt cứ lúc nhúc rào rào,
nếu Thái Trang chỉ bước chân lên bực thềm thì...
Hai hôm rồi bốn hôm, sáu hôm, đứa bé đã nằm liệt, thằng anh thì chỉ
còn ngước đôi mắt lờ ngờ nhơn nhớt máu cá mà nhìn để van xin người qua
đường.
Từ cái phố của người nhà Huyền Linh sau chợ Hôm rồi qua chợ Hôm
lên đến chỗ tàu điện tránh ở phố Huế này, Thái Trang đã phải quen mặt gần
hết những người "đi" ăn mày rồi chết ấy. Đàn bà con mọn, cụ già, đàn ông,
kẻ ở gốc cây, cột đèn, người ngay bên rệ đường, bờ rãnh, đống rác. Trước
còn chỉ thấy ban ngày, sau cả đêm, họ cứ nằm cả đêm cả ngày mưa nắng
nguyên một chỗ rồi chết. Thái Trang không dám lấy một ký họa người nào,
mà chỉ dám ghi rất vội cảnh vật và không khí xung quanh. Thái Trang tin
chắc rằng sau đây, nếu Thái Trang không bị suy sút hay bệnh tật gì về óc
não, thì Thái Trang có thể hồi hiện lại từng người trên quãng đường hơn
tuần lễ Thái Trang đi đi về về này.
- Ông Trang ơi! Hai Thiên thần Hoa hồng của ông thế là cũng bị tiêu
nốt trong cái địa ngục của Đói rồi, vậy ông định cho anh em nghe thơ, kịch
hay truyện ngắn của ông đây?
Huyền Linh lay lay cánh tay Thái Trang khi đi qua khỏi chỗ hai đứa
bé chết và mấy gốc cây, mấy cột đèn cũng có những kẻ gặp từ mấy hôm
nay, bây giờ đã chết cứng, hoặc đang hấp hối tuy vẫn còn ngồi được. Mọi
khi Thái Trang chỉ mỉm cười làm thinh trước các loại câu hỏi ấy, nhưng nay
Thái Trang lắc lắc đầu, nét mặt nhăn nhúm:
- Ta lại bất lực đến thế này ư?!!
Huyền Linh gật gù: