những việc đơn giản có thể mang lại cho chúng ta hạnh phúc, ngay cả khi
chúng ta biết rõ đấy là những việc gì.
Con người đa số sa vào một hoặc nhiều cái bẫy sau đây. Họ bỏ nhiều
thời gian tiếp xúc với những người mà họ không thích. Họ làm những công
việc mà họ không cảm thấy hứng thú. Họ sử dụng hết “thời gian rảnh” (tình
cờ đây lại là một khái niệm đi ngược lại chủ nghĩa hưởng lạc) vào những
hoạt động mà họ không cảm thấy thích lắm. Ngược lại cũng đúng như thế.
Con người không bỏ ra phần lớn thời gian của mình để tiếp xúc với những
người mình thích. Họ không đi theo cái nghề mà họ thích nhất. Và họ
không bỏ ra phần lớn thời gian vào những hoạt động họ thích nhất. Họ
không phải là những con người lạc quan, và thậm chí những người lạc quan
cũng không có kế hoạch chu đáo nhằm làm cho cuộc sống tương lai của họ
tốt đẹp hơn.
Tất cả những điều nói trên quả thật kỳ lạ. Chúng ta có thể cho rằng đấy
là chiến thắng của kinh nghiệm trước hy vọng, chỉ có điều ‘kinh nghiệm’ là
một khái niệm tự tạo thường do tri nhận của con người về thực tại bên
ngoài hơn là chính cái thực tại khách quan bên ngoài ấy. Có lẽ tốt hơn nếu
phát biểu rằng đấy là chiến thắng của mặc cảm tội lỗi trước niềm vui, của
tính di truyền trước trí thông minh, của tiền định trước quyền chọn lựa, và ở
một ý nghĩa rất thực, của cái chết trước cuộc sống.
“Chủ nghĩa hưởng lạc” thường được hiểu là có hàm ý vị kỷ, thiếu quan
tâm đến người khác và thiếu tham vọng. Tất cả những suy nghĩ ấy chỉ là sự
bôi nhọ. Thực chất chủ nghĩa hưởng lạc là một điều kiện cần thiết để có thể
giúp đỡ người khác và để đạt được những thành quả. Thật rất khó, và bao
giờ cũng là hoang phí, có thể đạt được một cái gì đó xứng đáng mà không
yêu thích điều đó. Nếu càng có nhiều người hưởng lạc thì thế gian này sẽ là
một chốn cõi tốt đẹp hơn và, ở mọi phương diện, sung túc hơn.
Kiểu tư duy 80/20 tin vào sự tiến bộ