quyết định một điều gì nữa, chỉ để cho thời cuộc trôi qua, dẫn đưa đất nước
từ thảm họa này tới thảm họa khác.
Sĩ phu nước ta lúc bấy giờ là những nhà nho chỉ biết nho học, chỉ biết
Trung Quốc cũ, chứ không biết gì về thế giới bên ngoài, không biết gì về
khoa học kỹ thuật Tây phương.
"Các nhà nho ta đời bấy giờ, theo nhận định của cụ Cao Xuân Huy,
nhìn cái hiện thực tư bản chủ nghĩa mới xuất hiện bằng những cái khung
cố định, tức là những phạm trù phong kiến đã có hơn hai ngàn năm sinh
mệnh... Do đó họ thấy trong cái hiện thực mới những hiện trạng phi chính
thường và quái gở, nhất là họ có những nhận định rất sai lầm về văn minh
khoa học kỹ thuật của Tây phương. Đó chính là môi trường tư tưởng trong
đó sản sinh ra tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ. Trong khi chung quanh
người ta nhìn hiện thực mới bằng những cái khung cũ kỹ, do đó nhìn sai,
nhìn lệch, thì chỉ có Nguyễn Trường Tộ có đủ nhãn lực để nhìn đúng hiện
thực ấy" (Trích Cao Xuân Huy, Tình hình xã hội và tư tưởng Việt Nam thời
Tự Đức. Tài liệu giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, chưa in).
Điều không may cho Nguyễn Trường Tộ chính là đã ở vào một thời
đại với một ông vua nhu nhược, với những quan lại vô trách nhiệm, với
một tầng lớp sĩ phu lỗi thời, lạc hậu
° ° °
Trên một thế kỷ nay, kể từ Phan Bội Châu nhắc nhở tới Nguyễn
Trường Tộ trong Việt Nam quốc sử khảo viết bằng chữ Hán xuất bản năm
1908 tại Nhật Bản, đã có nhiều học giả công bố tác phẩm nghiên cứu tường
tận về nhân vật lịch sử Nguyễn Trường Tộ, kể cả tác giả ngoại quốc như
Georges Boudarel.
Trong số báo Công giáo và Dân tộc ra ngày 12.7.1981, Đào Duy Anh
viết bài Tôi đã mang tội để mất những tư liệu quý về Nguyễn Trường Tộ
như thế nào? Và năm 1988, NXB Thành phố Hồ Chí Minh đã ấn hành
cuốn Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo của Trương Bá Cần. Sách
dày 516 trang với cỡ lớn 18 x 27 cm, dịch từ Hán văn sang quốc ngữ 58