- Vấn đề ở đây là những ảnh hưởng của họ đến xã hội. Chỉ cần có một
psychopath cũng sẽ khiến cho cả vài nghìn người xung quanh bị ảnh hưởng
do hiệu ứng cấp số nhân thường gặp trong kinh tế học. Tất nhiên là ảnh
hưởng xấu rồi. Anh cứ nhìn Nhật Bản bây giờ là hiểu rồi chứ gì? Chủ nghĩa
tôn thờ đồng tiền đã ăn sâu cả vào trẻ nhỏ, mở miệng nói chính nghĩa, đạo
đức thì bị cười nhạo, trong khi những giá trị quan mang tính psychopath
kiểu như thản nhiên gây tổn thương cho người khác thì được khen là
“ngầu”, là “ra dáng”. Ví dụ... đúng rồi, theo quan điểm của tôi, có đến một
nửa trong số nhân vật chính của manga và anime ngày nay đều là
psychopath. Ngày xưa thì còn có vẻ có tính “người” hơn. Như bây giờ, kể
cả nhân vật chính là người tốt thì cũng xuống tay giết kẻ phản diện không
chút ngại ngần, phải không? Trong game thì còn kinh khủng hơn nữa, là
con người nhưng ngay từ đầu đã không có nhân cách, chỉ biết hành động
mà thôi.
Kanaishi nghiêng đầu, che miệng cười.
- Thế hệ trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường ấy đã ra sao? Đa phần họ
chẳng thèm suy nghĩ điều gì sâu sắc, chỉ đơn giản hành động theo cảm tính,
có thể dễ dàng giết người chỉ vì tức giận nhất thời, cực kì nông cạn. Gọi họ
là bản sao của psychopath cũng không ngoa. Và rồi, khi những kẻ có hành
động tương tự psychopath càng gia tăng thì psychopath thật càng trở nên
mờ nhạt, giống như những psychopath này đã thở ra thứ khí độc để nhuốm
môi trường xung quanh thành thứ màu giống họ, từ đó tạo ra hiệu quả lá
chắn.
- Anh nói cứ như họ là loài sinh vật khác chúng ta ấy nhỉ?
Wakatsuki cố mỉa mai nhưng Kanaishi lại không hiểu.
- Tôi nghĩ vậy. Dường như họ là những kẻ đột biến, bởi ở họ đã rơi rớt
hẳn yếu tố làm nên “nhân tính”. Họ không có siêu năng lực như các nhân
vật trong phim truyện giả tưởng nhưng độ nguy hiểm còn cao hơn. Chỉ cần
chưa bị trừng phạt thì cứ thản nhiên mà giết người, đúng không? Tôi thấy
nên xem họ là một sinh vật khác loài nhưng ngẫu nhiên lại mang chung vốn
gen với chúng ta thì đúng hơn.