nhẹ giá trị tinh thần và xem đồng tiền là tất cả. Suy thoái năng lực tư duy và
năng lực tưởng tượng. Thiếu cảm thông với những người yếu thế trong xã
hội. Những dấu hiệu đó đã bắt đầu xuất hiện trong lĩnh vực bảo hiểm tai
họa, thậm chí người ta còn cho rằng, đến phân nửa số tiền bảo hiểm được
yêu cầu là lừa đảo và việc nó gây ảnh hưởng đến ngành bảo hiểm nhân thọ
chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nếu vậy thì chẳng mấy chốc, phí bảo hiểm sẽ tăng cao chót vót, và rốt
cuộc toàn dân sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Vấn đề này liệu có đơn thuần chỉ là hiện tượng cuối thế kỉ, vào thời kì
quá độ? Hay đây chính là dấu hiện chứng tỏ toàn thể xã hội đang thẳng tiến
đến một ngõ cụt không có đường quay lại?
Trước đây, moral risk, mối nguy hiểm bắt nguồn từ tinh thần của con
người, được cho là đang giảm dần cùng với tiến bộ xã hội, nhưng tình hình
hiện nay lại hoàn toàn trái ngược với dự đoán. Lẽ nào nguyên nhân nằm ở
chế độ phúc lợi mà Kanaishi quá cố và một số các nhà sinh vật học xã hội
đang công kích? Wakatsuki không nghĩ rằng phúc lợi hiện nay của Nhật
Bản lại dễ dãi với những kẻ yếu đến thế.
Hoặc có thể, vấn đề này là hệ quả tổng hợp của tất cả những nguyên
nhân gây ô nhiễm môi trường như thuốc trừ sâu, chất phụ gia thực phẩm,
dioxin hay sóng điện từ, những thứ đang ăn mòn gen di truyền của chúng ta
từ gốc đến ngọn?
Kanaishi đã vẽ ra trước mắt Wakatsuki một hình ảnh tương lai ảm đạm
như thế.
Số lượng tội phạm gia tăng quá nhiều sẽ khiến tất cả các nhà tù chật chỗ,
việc xét xử hình sự cũng tốn thời gian hơn và kém hiệu quả. Việc ra ngoài
bất kể đêm ngày ở các thành phố sẽ trở thành điều bất khả thi. Các khu dân
cư sẽ biến thành khu ổ chuột còn các cơ sở công cộng sẽ bị phá hoại
nghiêm trọng đến mức không thể sử dụng được.
Một xã hội dân số già cộng với sự gia tăng tỉ lệ tội phạm sẽ khiến cho
kinh phí của đất nước ấy tăng cao không điểm dừng. Thêm vào đó, việc
người người trốn thuế và giới quan chức như lũ kí sinh trùng sẽ hủy hoại
nền tài chính quốc gia. Mà không, có lẽ hiện tại đã hủy hoại rồi cũng nên.