Cung Thị Lan
Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm
Chương Mười Ba
Ngày ba mươi tháng tư năm 1975, quân đội miền Bắc hoàn toàn chiếm
miền Nam. Cuộc chiến tranh kết thúc thật nhanh bởi vì sự rút chạy nhiều
hơn là chống trả. Những đoàn người hoảng hốt chạy vào Sài Gòn tị nạn
trước đây, bấy giờ thi nhau tìm cách trở về quê quán. Người thành phố Nha
Trang cũng như những người dân miền Nam ở các nơi khác đều hồi hộp
chờ những biến cố mới xảy ra.
Thành phố Nha Trang lúc này được chia thành các khóm, phường rõ
rệt. Các tên đường trong thành phố cũng bị thay tên mới. Và mọi người
thường bị kêu đi họp vào những buổi tối để nghe thông báo tình hình hay
để tự kiểm điểm và phê bình. Bản kê khai lý lịch và danh sách những người
trong gia đình được phát ra cho từng người, từng nhà.
Riêng Hạ, Hạ thực sự rơi vào thế giới hoàn toàn đảo ngược. Những
từ dùng dành cho Việt Cộng nay phải nói là “quân Cách Mạng” hay “quân
Giải Phóng”, còn quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũ thì phải gọi là “quân bán
nước” hay “ngụy quân”. Hạ không tự giải đáp được vì sao quân đội Việt
Nam Cộng Hòa cũ là quân bán nước? Hạ cảm thấy sợ khi nghĩ đến hoàn
cảnh của những người bạn trai cũ của Hạ. Nếu ngày xưa họ rớt Tú Tài và đi
lính để trở thành người của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì số phận của
họ như những người “lính ngụy” hiện tại là phải đi học tập cải tạo mà nôm
na như cô Út của Hạ nói là bị đi tẩy não ư?
Hạ cảm thấy buồn cười cho sự tương phản trong đại gia đình của
mình. Bà con trong gia đình Hạ có nhiều biệt danh khác nhau; người bị coi
là Việt gian bán nước hay tư bản mại sản, người được gọi là Việt Minh yêu
nước, người được vinh thăng, người bị đi học tập cải tạo, người phải chuẩn
bị đi kinh tế mới, người lo trốn ra nước ngoài. “Chiến tranh và hòa bình”
của Việt Nam đã để lại cho Hạ bao nhiêu câu hỏi mà Hạ không thể nào toại
nguyện với những câu trả lời thiên vị một chiều.