Hai từ này làm Hạ suýt thốt lên những lời hát quen thuộc “Này công dân ơi
quốc gia..” như phản xạ từng có trước đây, nhưng rồi giọng ca của ai đó lại
cất cao vi vút làm Hạ giật mình khựng lại, cố gắng giữ cho đôi chân đứng
thật ngay trong cái im lặng ngột ngạt. “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng
cứu quốc...” Âm điệu của bản nhạc này không mạnh mẽ quyết liệt như bài
hát trước nhưng hùng khí dồn dập của bài đã làm cho Hạ thấy sợ không
kém.
Sau giờ chào cờ, học sinh của lớp 12C phải vào hội trường để
học. Lớp C là lớp học văn chương và sinh ngữ. Trước đây lớp 12C của Hạ
có hai nhóm học hai sinh ngữ chính khác nhau: Pháp văn và Anh văn.
Nhóm Pháp văn của Hạ chỉ có bảy đứa con gái và ba đứa con trai Võ Tánh,
còn lại nhóm Anh Văn khoảng hơn ba mươi đứa con gái. Mặc dù học
chung các môn học khác và có cùng cô giáo chủ nhiệm, hai nhóm Pháp văn
và Anh văn rất ít thân nhau. Sau biến cố tháng tư 1975, số lượng học sinh
trong các trường trung học Huyền Trân và Võ Tánh giảm hơn xưa rất nhiều
nên các lớp bị dồn lại để học chung trong hội trường. Lớp 12C Võ Tánh và
Huyền Trân đều dồn vào học chung tại “trường Nữ Trung Học Huyền Trân
cũ.” Sở dĩ phải gọi như vậy vì trường mất tên và phải chờ tên mới. Thời
gian ấy, không hiểu vì con gái không còn áo trắng như xưa hay vì cái nghĩa
“ Nam Nữ Bình Đẳng” mà con trai quên mất cái e dè của ngày cũ. Chỉ biết
là từ lúc nam, nữ, Pháp văn, lẫn Anh Văn học chung, bọn con trai và con
gái lớp 12C trở nên dạn dĩ hơn, gần gũi hơn và thân nhau hơn.
***
Mặc dù các trường ở Nha Trang đều được mở cửa nhưng do
hoàn cảnh mà nhiều học sinh phải bỏ học. Thay vì đi học, Ái xin được việc
thư ký tại trường để tìm phương kế sinh nhai. Con nhỏ may mắn được cấp
chỗ ở ngay trong trường nên có điều kiện cưu mang những người bà con bị
mất nhà tại Pleiku. Còn nhóm năm đứa con gái, chỉ còn Hạ và Đoan Hạnh
đến lớp. Trang và Hương quyết định lập gia đình chứ không muốn tiếp tục
học. Anh nghỉ học không hiểu lý do gì. Hạ chờ Anh từng ngày để mong tin