Vương Minh cảm tạ bà An Nhân đã đưa ý kiến hay nên hôm nay mới có kẻ
nối dõi.
Thế rồi ngày tháng trôi qua như thoi đưa, thấm thoát Nhạc Phi lên bảy
tuổi còn Vương Qưới cũng được sáu năm tròn. Vương Viên ngoại bèn đón
thầy về dạy cho hai trẻ học.
Trong lúc ấy có hai ông bạn họ Thang và họ Trương cũng đem con là
Thang Hoài và Trương Hiển đến xin học. Nhưng trong việc học hành này
chỉ có Nhạc Phi là cố công dùi mài kinh sử thôi, còn ba trò kia đến trường
chỉ lo chơi bời tụ tập với nhau rượt quyền đánh võ. Ông thầy lại chỉ quở
phạt qua loa, nên mấy trò ấy lại càng coi thầy không ra gì, lắm lúc thầy
muốn đánh mắng, nhưng ngặt nỗi chúng là con cưng của người ta không
thể đánh được, tức mình quá đành bỏ đi mất.
Sau đó Vương Minh tiếp tục đón thầy khác về dạy bảo nhưng thầy nào
cũng chịu không nổi, Vương Minh không biết tính sao đành nói với bà An
Nhân:
- Nay cháu nó đã lớn tuổi rồi nếu ở luôn đây bất tiện lắm, hiện tôi có mấy
căn phố, chi bằng chị đem con ra ở đó thấy tiện hơn, không biết chị nghĩ
sao?
Bà An Nhân chắp tay thưa:
- Tôi xin đa tạ anh chị đã có lòng cứu giúp mẹ con tôi, nay lại còn tính
việc cho tôi được ở riêng thì tiện lắm.
Vương Viên ngoại bèn sắm sửa vật dụng sẵn sàng chọn ngày lành tháng
tốt cho bà An Nhân dời chỗ đến đó may vá kiếm ăn qua ngày.
Một hôm, bà An Nhân nói với Nhạc Phi: