Kể từ hông trở xuống, bao gồm hai chân, gọi là thân dưới. Một trong hai
chân có thể tháo ra. Phải thiết kế như thế để tiện mặc quần cho các cô. Vì
vậy, nếu tính cả một chân tháo rời được thì ma nơ canh gồm sáu bộ phận.
Sáu hình nhân đều khuyết một bộ phận nào đó, và nếu không kể cô không
đầu, thì năm cô còn lại đều không có mặt.
Theo suy đoán từ trước, các cô nàng do cha tôi chế tác đều là Hiryu
Miwako phục sinh. Nhưng dù nghĩ thế thì…
Tại sao cha lại cố ý đặt đám hình nhân không hoàn chỉnh này ở các nơi
trong nhà? Và còn dặn lại là không ai được đụng đến chúng, tại sao?
Có lẽ người cha đã tự sát của tôi bị ám ảnh bởi một ý nghĩ hão huyền nào
đó. Sự cô độc khi về già, niềm nhớ nhung người vợ đã mất… thế rồi (như
hàng xóm vẫn bàn tán) cha tôi hóa điên.
Thôi đừng nghĩ nữa!
Tôi không muốn nghĩ nhiều về chuyện này. Không thiết nghĩ nữa.
Tôi đẩy cửa xưởng vẽ, bật đèn, nhìn khắp lượt.
Sau khi tập trung toàn bộ đám hình nhân trong phòng lại, tôi xếp gọn
chúng sang góc bên phải rồi phủ vải trắng lên. Dù sao, tôi cũng không thích
chúng đứng rải rác khắp phòng như vậy.
Giữa gian phòng rộng rãi để giá vẽ và chiếc ghế mặt tròn. Trên giá vẽ là
bức tranh sơn dầu chưa hoàn thành. Họa cụ đặt trong ngăn tủ mây, khá lộn
xộn. Trong cùng là chiếc bàn gỗ to rộng, một cái ghế có tay vịn, một giá
sách cao lấp cửa kính, và bộ dàn nghe nhạc.
Bên trái góc đó còn có một chiếc ghế bập bênh để ngồi đọc sách.
“Cái…?” Tôi suýt nữa hét lên nhưng đã kịp nuốt lại.
Vì nhìn thấy một thứ không nên đặt ở đó
Là một hình nhân. Lẽ ra nó phải đang đứng trong góc kia, thế mà lúc này
lại ngồi trên chiếc ghế bập bênh!
Sao thế được?
Tôi lén nhìn phần đầu, gáy và vai nhô lên ở lưng ghế, đúng là làn da trắng
nhợt của ma nơ canh.
Tôi run rẩy nhìn quanh, rồi từ từ bước vòng ra phía trước ghế.