Sự kiện ngày 11/9 đã gây sốc cho toàn dân Mỹ, họ nhận ra rằng suy nghĩ
của những người khác trên thế giới về họ hoàn toàn khác với những gì họ
nghĩ về bản thân. Bây giờ họ sẵn sàng xem xét đánh giá lại tình hình thế
giới và vai trò của nước Mỹ trong thế giới này. Điều này đã tạo nên một cơ
hội đặc biệt để mọi người cùng suy nghĩ cũng như cùng định hình lại thế
giới một cách sâu sắc hơn so với trước khi sự kiện 11/9 xảy ra.
Theo đó, tôi đã quyết định thêm phần kết luận vào cuốn sách để phác
thảo tầm nhìn của mình về xã hội mở toàn cầu. Phần này khác hẳn với kết
cấu của những phần còn lại của cuốn sách. Đây giống như một bài bút
chiến hơn là một bản báo cáo đáng cân nhắc về những khiếm khuyết của
chủ nghĩa tư bản toàn cầu; một tầm nhìn trừu tượng hơn là một hệ thống kế
hoạch thực tế. Tôi dự định sẽ mổ xẻ vấn đề cặn kẽ hơn theo trình tự của nó
và quan trọng hơn là phần kết luận này cần được trải qua những nhận xét
phê bình như các phần còn lại của cuốn sách. Thực sự, điều này rất cần
thiết vì phần này bàn về lĩnh vực mà tôi không thông thuộc như lĩnh vực tài
chính toàn cầu.
Tôi rất lưỡng lự trong việc thêm phần kết luận vì mục đích của cuốn sách
là xây dựng một sự đồng thuận rộng rãi, và phần kết luận này có thể làm
ảnh hưởng tới mục tiêu đó. Đề xuất về SDR đặc biệt cần sự ủng hộ của
nước Mỹ để được thực thi, nhưng phần kết luận của tôi lại chỉ trích cách
tiếp cận các vấn đề quốc tế mang tính bá quyền, đơn phương của chính phủ
Bush. Cuối cùng, tôi quyết định đặt lòng tin vào công chúng mà tôi hy
vọng sẽ được họ động viên. Mọi người không cần đồng ý với tất cả các
quan điểm của tôi về việc sử dụng SDR, và nếu mọi người ủng hộ điều này
thì một chính phủ dân chủ phải tôn trọng ý chí của người dân cho dù chính
phủ đó không thích những lời chỉ trích của tôi.