Tôi tin rằng tôi có một số phẩm chất đáng chú ý cho chủ đề này. Tôi đã
từng là người hành nghề thành công trong thị trường tài chính toàn cầu,
điều này giúp cho tôi có một cái nhìn của người trong cuộc về cách thức
hoạt động của chúng. Quan trọng hơn là tôi luôn chủ động tham gia vào nỗ
lực biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Tôi đã thành lập một hệ thống
các quỹ hỗ trợ cho ý tưởng xã hội mở. Tôi tin chắc hình thức hệ thống tư
bản toàn cầu hiện nay chính là sự biến dạng của một xã hội mở toàn cầu.
Tôi chỉ là một trong những chuyên gia về thị trường tài chính nhưng sự
quan tâm sâu sắc của tôi về tương lai nhân loại đã làm tôi khác với họ. Tôi
đã dành gần hết 5 năm vừa qua để nghiên cứu về nhược điểm của toàn cầu
hóa và đã viết một vài cuốn sách và bài báo về chủ đề này. Tuy nhiên, cuốn
sách cuối cùng của tôi, Xã hội mở: Cải cách chế độ tư bản toàn cầu
[2]
,
chưa được mạnh mẽ lắm trong việc đề xuất các giải pháp. Cuốn sách này,
vì thế, sẽ là sự bù đắp cho khiếm khuyết ấy.
Tôi vẫn thường nghe nói lợi nhuận và việc cải tổ thị trường tài chính
toàn cầu luôn mâu thuẫn với nhau. Tôi không thấy vậy. Tôi thật sự mong
muốn cải thiện hệ thống cho phép tôi thành công hơn, qua đó hệ thống có
thể trở nên bền vững hơn. Niềm say mê của tôi đã có từ trước khi tôi tham
gia vào thị trường tài chính. Sinh ra là một người Do Thái ở Hungary năm
1930, tôi đã sống qua thời kỳ Đức Quốc xã cũng như đế chế Xô-viết. Tôi
sớm nhận ra tác động của thể chế chính trị thắng thế quan trọng đối với sự
sống còn và tồn tại của xã hội như thế nào. Khi còn là học sinh Trường
Kinh tế và Khoa học Chính trị London, tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ học
thuyết Karl Popper, tác giả cuốn Open Society and Its Enemies (Xã hội mở
và các thế lực thù địch)
[3]
. Ngay khi thành công trong vai trò là quản lý
của một quỹ đầu tư phòng vệ, tôi đã thành lập một quỹ hỗ trợ tên Quỹ xã
hội mở (bây giờ là Viện xã hội mở) nhằm “mở mang những xã hội đóng,
giúp những xã hội mở tồn tại và khuyến khích cách suy nghĩ phê bình.” Đó
là vào năm 1979. Đầu tiên, quỹ hỗ trợ tập trung vào mở mang những xã hội