NHỮNG BÍ ẨN CỦA CUỘC ĐỜI
Nguyễn Hữu Kiệt
Chương 4: Vài Loại Quả Báo Xác Thân
Những người tàn tật, đui què, câm điếc, những người bị các chứng nan y,
đó là những thí dụ rõ rệt nhứt về sự đau khổ của người đời. Đứng trước
những cảnh đau khổ đó, chúng ta cảm thấy một lòng trắc ẩn sâu xa và thấm
thía. Khi mà một trong những cảnh khổ đó xảy đến cho ta, khi chúng ta gặp
phải những cảnh ngộ đắng cay, trái ngược, chúng ta có lẽ đâm ra hoài nghi
về lòng nhân từ bác ái của đấng Tạo Hóa. Có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi: "Tại sao
tôi bị sự đau khổ này? Và tại sao cảnh khổ này lại xảy đến cho tôi?"
Anh X... Là một người hiền lành và đức hạnh hơn người. Anh đã bị mất
hết gia tài, sản nghiệp và tất cả mấy đứa con anh đều chết hết; anh chịu đựng
những cảnh khổ đó một cách kiên nhẫn và không phàn nàn rên siết. Nhưng
khi anh bị một chứng bịnh kỳ quái làm toàn thân anh đều nổi các mụt nhọt lở
loét, ghê tởm, thì anh X... Bèn nguyền rủa Thượng Đế lần đầu tiên, và cũng
lần đầu tiên, anh la lên trong cơn tuyệt vọng để tìm biết lý do những sự đau
khổ đã xảy đến: "Ai có thể nói cho tôi biết, rồi tôi sẽ im lặng và an phận. Tôi
đã gây nên những tội lỗi gì?"
Nói rằng nguyên nhân sự đau khổ là do bởi những hành động sai lầm, tội
lỗi gây ra, thì người thời nay thường cho đó là một điều dị đoan, di sản của
những tôn giáo cổ xưa đã lỗi thời. Ít người chịu suy nghĩ và nhìn nhận điều
đó. Tuy vậy, theo những cuộc soi kiếp của ông Cayce, thì tội lỗi và đau khổ
đi liền với nhau như bóng với hình, và giữa Nhân với Quả vốn có một sự liên
quan chắt chẽ.
Để hiểu rõ cái quan niệm trên, nó làm nền tảng cho những cuộc soi kiếp
của ông Cayce, ta cần hiểu ý nghĩa của danh từ Karma, là danh từ duy nhất
giải thích ý nghĩa về vấn đề Nhân Quả. Karma là một danh từ Phạn ngữ, có
nghĩa là hành động. Nhưng theo ý nghĩa về triết học, thì nó định nghĩa Luật
Nhân Quả, là một định luật cai quản và chi phối mọi hình thức sinh hoạt
trong Trời Đất. Ông Emerson là người đã từng hấp thụ và tin tưởng nền Triết