Đến tối 1.11.1963, Thủy Quân Lục Chiến chỉ mới chiếm được đài phát
thanh Saigon và một phần thành Cộng Hoà, chưa tiến xuống khu Dinh Độc
Lập và Dinh Gia Long được, nên ông Diệm và ông Nhu đã ra khỏi Dinh
Gia Long một cách dễ dàng, không đi đường hầm như các sử gia Phật Giáo
đã viết.
Suốt đêm mồng 1 và rạng ngày mồng 2.11.1963, ông Diệm liên lạc với các
tướng đảo chánh bằng hệ thống truyền tin trang bị sẵn trong nhà Mã Tuyên,
nhưng các tướng lãnh tưởng ông ở trong Dinh Gia Long. Đại Đội Cận Vệ
Phủ Tổng Thống và Đại Đội Thiết Giáp vẫn giữ vững phòng tuyến Dinh
Độc Lập và Dinh Gia Long cho đến sáng.
Càng về đêm, lực lượng đảo chánh càng tiến sát vào khu vực xung quanh
Dinh Độc Lập và Dinh Gia Long, nhưng không tiến chiếm được vì ở trong
đó có công sự chiến đấu rất kiên cố và hỏa lực rất mạnh. Thiếu úy Bùi Lạc
cho biết khoảng 2 giờ đêm hôm đó, một toán của anh nằm phục kích trên
trần nhà hàng Quốc Tế, thấy Tướng Tôn Thất Đính và bộ tham mưu đứng
điều khiển ở phía trước nhà hàng, trên đường Lê Lợi. Toán đó đã gọi máy
vào Dinh hỏi xem có nên tung lựu đạn xuống không, nhưng trong Dinh
không cho phép vì lúc đó ông Diệm và ông Nhu không còn ở trong Dinh
nữa.
Hừng sáng 2.11.1963, sau khi điểm tâm tại nhà Mã Tuyên, ông Diệm và
ông Nhu lại lên chiếc Fourgonnette theo đường Đồng Khánh đi vào nhà thờ
Cha Tam ở cuối đường Đồng Khánh, Chợ Lớn. Cả ông Diệm và ông Nhu
đã xin chịu phép giải tội và rước Mình Thánh Chúa, rồi điện thoại cho
Tướng Trần Thiện Khiêm yêu cầu đích thân đến đưa hai ông về Bộ Tổng
Tham Mưu để bàn chuyện bàn giao cho các tướng lãnh.
Được điện thoại của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tướng Trần Thiện
Khiêm báo cáo cho Tướng Dương Văn Minh. Các tướng họp lại để bàn
bạc. Có nhiều sự bất đồng ý kiến về số phận của Ngô Đình Diệm. Cuối
cùng Tướng Dương Văn Minh cử Tướng Mai Hữu Xuân làm trưởng đoàn
đi đón. Tướng Trần Thiện Khiêm đòi đi, nhưng bị Dương Văn Minh từ
chối. Đi theo phụ tá Tướng Xuân có hai Đại Tá Nguyễn Văn Quan, Dương
Ngọc Lắm và Thiếu Tá Đày. Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa được lệnh lấy