Lữ Giang
Những bí ẩn đằng sau các cuộc thánh chiến tại Việt Nam
Vài lời phi lộ
Đến nay, những người đã sống trong thập niên 1960 vẫn chưa quên
được những biến cố đau thương mà các cuộc thánh chiến đã gây ra cho đất
nước. Các cuộc thánh chiến này vẫn đang tiếp tục, có khi náo động, có khi
âm ỉ với những hậu quả chưa có thể lường được. Tìm hiểu sâu xa hơn,
nhiều người đã đồng ý các cuộc thánh chiến do những kẻ lợi dụng tôn giáo
phát động cũng là một trong những nguyên nhân đưa miền Nam rơi vào tay
Cộng Sản.
Ngày 1.11.1963, khi các tướng lãnh Việt Nam được Hoa Kỳ thuê làm đảo
chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm thì tôi còn là một sinh viên Luật Khoa
và làm nghề viết báo để kiếm thêm tiền. Cũng như các ký giả khác, tôi lục
lọi khắp nơi để săn tin. Ngày 2.11.1963, khi tiếng súng từ Dinh Gia Long
vừa dứt, tôi cố nhờ người đôn lên để quan sát phía bên trong và chụp hình.
Một nguồn tin của Phật Giáo cho biết ông Diệm và ông Nhu đã trốn ra
khỏi Dinh Gia Long bằng một con đường hầm bí mật. Tôi cố gắng kiểm
chứng tin này. Vài hôm sau, tôi may mắn được nói chuyện với Thiếu Tá
Hoàng Văn Tình, Trưởng phòng An Ninh Phủ Tổng Thống. Ông lắc đầu
chán nản và cho tôi biết chính ông đã lo liệu cho ông Diệm và ông Nhu ra
đi vào Chợ Lớn lúc 7 giờ tối ngày 1.11.1963 bằng một chiếc xe
fourgonnette hiệu Citroen. Người lái xe là Trung Tá Hưng. Ông quả quyết
trong Dinh Gia Long không có đường hầm bí mật nào cả. Một tuần sau, tôi
được một Thiếu Tá khác dẫn vào Dinh Gia Long quan sát. Tôi cũng không
thấy có đường hầm bí mật nào hết. Tôi viết bài tường thuật về những sự
thật mà tôi đã điều tra và đem tới tòa soạn, nhưng sau khi họp bàn, anh em
đã quyết định không đăng. Anh em nhìn nhận tôi viết hoàn toàn đúng sự
thật nhưng nếu đăng lên, tờ báo có thể bị tố cáo là "tay sai của dư đảng
Cần Lao" và sẽ bị đốt. Cho đến nay, các sử gia Phật Giáo như Hòa Thượng
Thích Nhất Hạnh và những người khác cũng vẫn tiếp tục viết trong Dinh