Giọng nói. Giọng nói rất quan trọng vì nó thể hiện một phần nào đó con
người bạn, sự khác biệt của bạn với người khác. Người có giọng nói truyền
cảm thì dễ thu hút và tạo cảm tình ngay từ những phút đầu gặp gỡ. Còn nếu
có giọng nói không hay thì sao? Bạn sẽ không bao giờ tạo được một ấn
tượng tốt ư? Không đúng! Edwin Newman và Red Barber đều là những
phát thanh viên sáng chói dù họ không có chất giọng tốt. Họ biết bù lấp
nhược điểm này bằng cách nói chuyện có duyên, bằng vốn kiến thức phong
phú và kỹ năng chuyên môn hoàn hảo.
Nhiều người bảo rằng tôi có một chất giọng tốt và rất lý tưởng với nghề
phát ngôn viên. Nhưng tôi vẫn luyện nói mỗi ngày để nâng cao chất giọng
hơn nữa, tôi không muốn dừng lại. Tôi muốn mình ngày một tiến triển hơn
và giọng nói là một trong những ưu điểm mà tôi có. Bạn muốn cải thiện
giọng nói? Trước tiên hãy gõ cửa các giáo viên luyện giọng, hoặc đến thư
viện nghiên cứu sách vở tài liệu, băng ghi âm cassette. Sau đó khóa chặt
của lại và bắt đầu nói, nói và nói.
Đừng quên ghi âm giọng nói của chính mình. Tôi biết lần đầu tiên khi
nghe đoạn băng đó chắc chắn bạn sẽ thốt lên rằng: "Ôi trời! Nghe khủng
khiếp quá!". Nhưng nhờ nó bạn sẽ biết mình cần chấn chỉnh chỗ nào, sửa
giọng ra sao. Bạn nói có nhanh quá không, hoặc có tẻ nhạt không, phong
cách nói riêng của bạn như thế nào... Khách quan hơn cả là hãy nhờ người
thân góp ý.
Diện mạo. Yếu tố này đặc biệt quan trọng khi xuất hiện trên truyền hình,
vì bạn đang thể hiện chính mình chớ không phải cho ai khác. Đứng trước
hàng ngàn khán giả qua màn ảnh nhỏ, có lẽ ai cũng muốn mình trông bảnh
bao xinh đẹp. Một bộ vest lịch lãm, một mái tóc gọn gàng, một vẻ mặt tươi
tỉnh... Tất cả đều được phản ánh trung thực trên màn hình vì ống kính quay
phim thì không biết nói dối. Bởi thế, nếu một cúc áo của bạn chưa cài, khán
giả sẽ nhìn thấy. Nếu bàn tay bạn có một vết dơ, khán giả cũng nhìn thấy.
Đừng đánh mất vẻ đẹp của bạn bởi những sơ ý không đáng có này.