Đại Tạng Kinh và cả trong những tài liệu đã được dịch ra tiếng Tây phương.
Trong khi sử dụng tài liệu này chúng ta sẽ luôn luôn tham khảo những tài
liệu khác vì tài liệu này cũng có những chỗ sai lầm và thiếu sót. Nhờ tham
khảo các tài liệu khác nhau mà chúng ta có được một tài liệu được đúc kết
gần với sự thật hơn hết.
Bản lược đồ các bộ phái mà quý vị đang có trong tay là công trình của
giáo sư André Bareau của Collège de France (xem phụ lục, lược đồ 1). Ông
đã nghiên cứu trong nhiều năm, đã tham khảo rất nhiều tài liệu trong đó có
Dị Bộ Tông Luân Luận. Giáo sư đã so sánh, đối chiếu và cuối cùng đúc kết
thành lược đồ này mà hiện nay được xem như là một tài liệu gần hơn hết với
sự thật đã xảy ra.
Khi trước tác hay ghi chép lại lịch sử, người ta hay có khuynh hướng đề
cao tông phái của mình là chính thống nhất, vì thế không tránh được tính
chủ quan. Thầy Thế Hữu cũng vậy, thầy là người của Hữu Bộ
(Sarvāstivāda), một tông phái có mặt tại Kashmir ở miền Bắc và cũng có
mặt tại miền Trung Ấn Độ. Cơ sở của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ đã được
duy trì tại Kashmir tới hơn 1000 năm. Tông phái Hữu Bộ đã sáng tác ra một
tác phẩm Abhidharma rất đồ sộ, gọi là Mahā-vibhāsā (Đại Tỳ Bà Sa Luận).
Trong kho tàng văn học Phật giáo có ba thể tài (ba thể loại): Kinh là thể
tài thứ nhất của văn học Phật giáo, Luật là thể tài thứ hai (nền văn học
Vinaya tức Luật, cũng rất giàu có) và phần thứ ba là Luận (Abhidharma).
Mục đích của Luận là để hệ thống hóa giáo lý của đạo Bụt, nêu lên những
chủ trương của tông phái mình và những chủ trương mà mình nghĩ là sai
lầm của các tông phái khác.
Như đã nói, Hữu Bộ đã sáng tạo ra một nền văn học Luận tạng
(Abhidharma) rất phong phú, gọi là Đại Tỳ Bà Sa Luận (Maha-vibhāsā-
śāstra). Thầy Thế Hữu đã đóng góp rất nhiều trong công trình khởi sự và
sáng tạo nền văn học Luận tạng đó.
Tông phái thứ hai cũng sáng tác ra nhiều tác phẩm về Luận tạng là tông
phái Thượng Tọa Bộ (Sthaviravāda). Thượng Tọa Bộ sau này được gọi là
Phân Biệt Thuyết Bộ (Vibhajyavāda) hay còn được gọi là Đồng Diệp Bộ,