NHỮNG ĐỈNH NÚI DU CA - Trang 41

ưa thích” (Mạc Đường 1964: 89). Nhà nghiên cứu lâu năm về dân ca H’mông, “ông tiên
núi” Doãn Thanh thì cho biết “đời sống H’mông không thể thiếu lời ca tiếng hát”, “nghe
nhạc (hát dân ca - NMT) mà đủ hiểu mọi tình ý, điều này hầu như thành bản năng (NMT
nhấn mạnh) của mọi thanh niên nam nữ, của mọi người H’mông”. (Doãn Thanh 1984: 7) Ý
kiến của Doãn Thanh cho thấy một thứ “bản năng” dân ca rất đặc thù của người H’mông.
Chế Lan Viên thì viết: “Tiếng hát ở xã hội H’mông có một vị trí đặc biệt đấy là tiếng hát
nhưng cũng là lời nói, phương tiện để phát biểu, giao dịch” (Doãn Thanh 1984: 36). Ý kiến
của thi sĩ muốn mang họ thiểu số Chế [Lan Viên] khiến chúng ta nghĩ tới tiếng hát ở xã hội
H’mông không chỉ là chức năng biểu đạt tình cảm tâm hồn, mà chức năng tiếng hát người
H’mông mở rộng ra như một kiểu ngôn ngữ. Điều này làm nhớ tới quan điểm của
Heidegger, theo đó thì, con người hiện hữu trong tiếng hát, cũng như con người hiện hữu
trong ngôn ngữ. Nên, ở chỗ khác, Chế mới gọi tiếng hát trong xã hội H’mông là “công cụ
thực dụng”, vì người H’mông sinh ra, hội hè, tán gái, lấy vợ, kết hôn, lao động, làm tình,
qua đời đều ngập tràn trong tiếng hát. Những ý kiến tương tự có thể thấy ở Hoàng Việt
Quân khi ông theo quan điểm của Trần Hữu Sơn nhận “tín hiệu văn hóa tộc người”
H’mông là tiếng hát (Hoàng Việt Quân 2004: 130). Trần Hữu Sơn cũng ghi nhận tiếng hát
có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tâm hồn H’mông (Trần Hữu Sơn 1996: 27). Đặc biệt
hơn tất cả, nhà nghiên cứu âm nhạc tộc người Hồng Thao, người đã để lại vợ trẻ con thơ,
bỏ ra 6 năm sống với người H’mông Hà Giang đã có những miêu tả rất tỉ mỉ, đáng kinh
ngạc về tình yêu âm nhạc với lời ca tiếng hát của người H’mông. Hồng Thao xác nhận:
“Tâm lí dân tộc H’mông được phản ánh vào thơ ca khá đậm nét” (Hồng Thao 1997: 218).
Hãy cứ xem cách một chàng trai H’mông tìm người yêu là đủ thấy tiếng hát với tộc người
này có vị trí quan trọng lạ lùng. Chàng trai H’mông truyền thống thường tìm bạn đời bằng
cách trổ tài khéo thổi kèn, sáo vào buổi đêm, nơi bìa rừng gần nhà cô gái mình yêu. Tiếng
kèn, sáo theo gió bay đi, là sứ giả tình yêu đến chinh phục trái tim cô gái. Hay có khi, nơi
phiên chợ, hội lễ, chàng trai H’mông cứ đứng thổi khèn, biểu diễn, vây quanh là đoàn
người thưởng lãm, nhất là các cô gái H’mông luôn chăm chú lắng nghe, tập trung “thẩm
âm” cái tâm hồn và tài nghệ chàng trai. Nếu tiếng kèn hay khèn, đàn môi... chàng hay, đủ
khơi lên trong lòng em niềm rung động, thiết tha, gõ đúng cái mạch ngầm âm ỉ chảy nơi
đáy tim cô gái, thì cô gái H’mông ấy sẽ kết bạn với chàng. Hay khác đi, trong ngày hội,
từng đôi trái gái hát ống đối đáp với nhau đầy lãng mạn

[29]

. Tay chàng trai H’mông thì luôn

tranh thủ cơ hội khi chơi chợ, chơi hội tìm vỗ mông cô gái mình ưng. Sự tự do, phóng
khoáng và mang nét lãng mạn, cao nhã trong kết bạn tình ở người H’mông thông qua âm
nhạc cho thấy tộc người này phải gìn giữ những nếp gấp rất cao quí trong nội tâm, xứng
đáng là đại sứ cho tinh hoa của văn hóa nhân loại. Ngoài ra, xét từ trong tổng thể cấu trúc
tâm lí, văn hóa H’mông, các bài dân ca luôn có một vị trí trọng yếu trong những mấu kết
văn hóa tộc người. Không phải là gì khác mà chính những bài dân ca đã có vai trò khai tâm
cho người thanh niên H’mông để thành nhân, đạt đến tuổi trưởng thành ở các xã hội núi

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.