hoàn cảnh xã hội để cắt nghĩa sáng tạo dân ca. Thực ra, cho rằng “nhà giàu” ở đây là những
kẻ áp bức, bóc lột là một suy diễn có lẽ đẩy đi quá xa bản chất vấn đề. Người giàu ở đây,
trong văn cảnh câu dân ca trên (được Doãn Thanh sưu tầm ở Lào Cai) chỉ cho phép một cái
hiểu rất mơ hồ, có thể đã có sự tích lũy của cải nên “giàu”, nhưng không phải cứ có sự tích
lũy của cải là bước tới sự phân chia giai cấp trong xã hội. Những cứ liệu dân tộc học về
H’mông ở Việt Nam chưa thể cho phép phát biểu ở tộc người này đã có sự phân chia giai
cấp một cách sâu sắc và lâu dài. Chỉ riêng tại khu vực Hà Giang thì nhận thấy có sự phân
hóa đẳng cấp, chúa đất áp bức nông dân mới rõ hơn cả, mô hình: oan khuất = thống trị
(chúa đất) áp bức bị trị (nông dân) đưa vào Hà Giang, dù khiên cưỡng thì còn có thể tạm
chấp nhận (trong một khoảng lịch sử cụ thể), còn ngoài khu vực này thì phải hết sức dè dặt.
Nên nói chung, mô hình tiến hóa xã hội đưa vào nghiên cứu thơ ca tộc H’mông đã không
thực thỏa đáng. Thật thế, chúng ta hãy theo dõi những suy diễn rời xa bản chất tiếp sau đây
của chính Doãn Thanh, nhà sưu tầm kỳ cựu nhưng đã không vượt qua được ý thức hệ thời
ông. Doãn Thanh bình chú về một bài dân ca H’mông, tả tâm trạng bức xúc của người
H’mông mồ côi vì căm tức lũ quạ phá hoại mùa màng, làm sự khổ càng thêm khổ, nên
quyết chí đặt lưới, giăng bẫy giết quạ trong sự căm phẫn tột độ:
“Mồ côi rằng:
- Quạ đen hỡi quạ đen
Quạ đen ác thật ác
Quạ đen độc thật độc
Nương ta gieo, mày ăn hết không còn một hột thóc
Mồ côi nghĩ đi càng tức dạ
Mồ côi nghĩ đi càng sôi gan
Mới tóm quạ đen quật vào tảng đá
Máu mỡ quạ đen tanh tưởi bắn vung vãi khắp trần gian
Mới tóm quạ đen quật vào gốc cây
Máu mỡ quạ đen tanh tưởi bắn vung vãi khắp trần thế”
(Doãn Thanh 1984)
Doãn Thanh viết: “Bài hát này phản ánh nỗi căm phẫn, lòng căm thù không muốn đội
trời chung của những người lao động đối với bọn thống trị bóc lột áp bức họ. Tuy lời lẽ là
của kẻ mồ côi, nhưng nội dung tư tưởng không bó hẹp trong phạm vi nói lên nỗi khổ của kẻ
mồ côi” (Doãn Thanh 1984: 305). Như thế thì, đúng là nhà sưu tầm dân ca H’mông Doãn
Thanh đã không vượt qua được cái nhìn và phương pháp thống trị trong thời của ông
.
Xã hội người H’mông nói chung ở Việt Nam, vốn không hề thực rõ có sự phân chia giai
cấp, nên tất yếu không thể nói là có sự “đấu tranh giai cấp” một cách cụ thể. Các tác giả
khác sống cùng thời với Doãn Thanh như Bùi Lạc, Mạc Phi, Tô Hoài, Chế Lan Viên (và
nhiều người khác sau này)... do cùng vướng vào những giới hạn của lịch sử và phương