họ H’mông gặp mặt đông đủ để được lắng nghe: 1/ Nghe trưởng họ kể về sự tích dòng họ.
Một lối truyền bản lịch sử, phổ biến ở các tộc người không văn tự; và, 2/ Nghe bà cô nói về
các tục lệ của dòng họ. Một lối củng cố các thiết chế duy lí nhằm đảm bảo vận hành xã hội
tộc người qua luật tục cộng đồng. Quyền lực bà cô (và ông cậu) còn thể hiện ở nhiều
phương diện khác. Bà cô là người truyền dạy cho cô dâu - thành viên mới ra nhập họ những
luật tục, để cô dâu được chuẩn bị tốt hơn trong đời sống mới ở họ mới. Hồ Ly Giang nghiên
cứu dòng họ H’mông trắng Sơn La cung cấp thêm thông tin ở các dòng họ, yếu tố văn hóa
mới muốn xâm nhập được thường phải thông qua sự ủng hộ của bà cô và trưởng họ. "Bà cô
có quyền thay đổi nghi thức làm ma, góp ý kiến trong việc cưới chồng cho cháu gái, quyết
định đồ sính lễ và thách cưới, cùng với trưởng họ và các bậc cha chú quyết định việc làm
ma cho bố (mẹ) của cháu. Khi dòng họ có người già chết, bà cô được mời đến để làm lí khi
mổ trâu, mổ bò. Nếu người trong dòng họ làm những điều sai trái, tự tử thì bà cô phải đứng
ra khuyên bảo những người trong họ không được làm những việc như vậy và những người
trong dòng họ phải có trách nhiệm nghe theo. Bà cô còn là nhân vật có trách nhiệm giám
sát mọi người trong dòng họ thực hiện các luật tục của dòng họ và của cộng đồng. Nếu
người trong họ không nghe theo lời chỉ bảo của bà cô, thì người H’mông tin rằng, họ sẽ bị
rắn cắn, đá rơi, hay tai nạn trên đường. Tuy nhiên, bà cô chỉ giới hạn quyền và trách nhiệm
trong dòng họ mình chứ không có tiếng nói chi phối đến những thành viên khác ngoài dòng
họ" (Hồ Ly Giang 2013: 55, 105). Thế nên, mẫu số chung về vai trò bà cô là một trong
những người có thể quyết định thay đổi luật tục tang ma, cưới hỏi của cả cộng đồng. Điều
này, tồn tại phổ biến ở Đồng Văn, đồng thời, nơi khác nhiều người cũng đã nói tới (Hoàng
Thị Thủy 2004: 49; Kiều Trung Sơn 2013; và...).
Người đàn bà quyền lực và tài trí trong văn hóa H’mông, xa xôi hơn, ta tìm thấy trong
truyện kể Núi Vạ-Ký:
"(...) có một người đàn bà Mèo tên là Sín Dìn, cầm đầu những gia đình bị cướp ruộng nương trước
kia, trở về chỗ cũ đánh đuổi bọn thổ ty, giành lại ruộng nương. Thấy Sin Dìn can đảm, có tài và có công
đánh thắng thổ ty giành lại được ruộng nương, người Mèo bèn tôn Sin Dìn lên làm vua". Về sau, Sín Dìn
chết, người Mèo không có người tài giỏi cầm đầu, bị bọn thổ ty người Hán đánh đuổi. Người Mèo phải bỏ
chạy lên ngọn núi cao Vạ-Ký để ẩn náu (Doãn Thanh và... 1963).
Truyện kể về Sín Dìn, như thế, đã chứa đựng mảnh vỡ lịch sử về một nữ thủ lĩnh
người H’mông đã thất bại trong việc chống lại người Hán. Thất thế, người H’mông phải bỏ
chạy lên núi mà ở. Người đàn bà H’mông nổi loạn, khởi nghĩa, sau này ở đời, có lúc chúng
ta sẽ còn gặp lại trong những phong trào cứu thế H’mông. Trường hợp Vừ Thị Dí người
thừa nhận mình là Tuz kheir (Người thừa hành) của vua H’mông huyền thoại ở xã Đoàn
Kết, Mộc Châu, Sơn La vào năm 1957 là một ví dụ cụ thể (Vương Duy Quang 2005).