Những phân tích ở trên, như thế, có một ý nghĩa khá lớn về tính dân chủ tộc người
trong xã hội H’mông nhìn từ người phụ nữ. Điều này càng thêm rõ nghĩa nếu chúng ta chịu
khó cùng nhau tiến hành so sánh dân tộc học về mối quan hệ của người phụ nữ và cách
thức tổ chức xã hội nam quyền tộc người, giữa H’mông với Việt, Mường và Thái. Ở người
Việt, trong tổ chức chính trị làng xã quan trọng nhất: giáp - "vết tích bình đẳng công xã
nông thôn xưa", hay "ảo ảnh bình đẳng chủ nghĩa" như nhận định của Từ Chi không có
bóng dáng người phụ nữ (Nguyễn Từ Chi 2003)
. Xã hội Mường, trong chế độ phụ hệ
"nhà Lang", khi đề cập đến toàn bộ thành viên của một gia đình thống trị, không nhắc đến
các thành viên nữ ("nàng"), nghĩa là, không tồn tại người phụ nữ trong khái niệm những kẻ
cai trị (Trần Từ 1996: 8)
. Người Thái còn khắt khe hơn, chỉ có con trai ("tạo" hay "kun")
nhà quí tộc mới có điều kiện làm thủ lĩnh mường, con gái quí tộc ("nàng"), vợ thủ lĩnh
("bà") không thấy nói đến vai trò quyền lực trong tộc người (Cầm Trọng 1978: 242). Khái
niệm "bô lão toàn mường" và hệ thống chức dịch tương đối rắc rối trong luật tục Thái loại
trừ người nữ. Thậm chí, khi chia của cải gia đình, người con gái trong xã hội Thái không
được chia bất cứ thứ gì, dù nhỏ như gốc cau, gốc mít, đống đá ở suối (Ngô Đức Thịnh -
Cầm Trọng 2003: 704)
.
Khác với các tộc người trên, trong cấu trúc gia đình hạt nhân H’mông, người phụ nữ
bao giờ cũng có một thế "tự trị" nhất định, có thể mạnh dạn mà nói như vậy
. Tất nhiên,
cần lưu ý, so sánh này chỉ mang tính tương đối, bởi so với các tộc người Việt, Thái, Mường
thì tổ chức xã hội H’mông là sơ khai hiểu theo nghĩa cấu trúc xã hội là giản đơn hơn.
Nhưng từ những gì nhìn thấy được, người phụ nữ H’mông vẫn có quyền hợp pháp giữ cho
mình một tài sản kinh tế, bao gồm toàn bộ "tiền vốn" là "của hồi môn" khi lấy chồng mà
cha mẹ đã cho. Đồng thời, trong gia đình người H’mông, dù khốn khó thế nào, bao giờ
cũng gắng chừa ra một mảnh đất tốt để người phụ nữ con dâu trồng lanh.