duy trì định kiến cố hữu về các vùng đồng bằng đầy xấu xa, của bùn lầy, của đỉa, của loài
hút máu
. C. Robequain tinh ý khi nhìn ra và dẫn lại Savina về nhận định: bản chất tưởng
tưởng đầy thành kiến của người H’mông về các vùng đồng bằng đầy đỉa, thật ra, che đậy
đằng sau đó là một thất bại về việc chiếm dụng các đồng bằng thấp của người H’mông ở
Việt Nam. Di cư đến Việt Nam muộn, khi cơ cấu ruộng đất miền núi đã tương đối định
hình. Các đồng bằng vùng trưng du vốn màu mỡ thì đã bị các tộc người khác chiếm dụng,
H’mông đành phải ở những vùng đất cao trên 900m. Người H’mông, tộc người du cư ấy, vì
thế, rất dễ định cư nếu có thể tìm thấy được một vùng đất thuận lợi (Robequain 1929). Ý
tưởng này của Savina và được Robequain xác nhận quả không tồi, sau này, nó sẽ còn lặp lại
trong rất nhiều kiến giải về đặc điểm cư trú của người H’mông ở Việt Nam. Và đấy cũng là
cơ sở về cái tính chất nước đôi, vừa du cư vừa định cư rất đặc thù của tộc người này mà
ngày nay vẫn còn quan sát được. Nhưng mặt khác, như tôi đã nói, hành động lựa chọn cư
trú trên các đỉnh núi của người H’mông ở Việt Nam còn phải tính đến những động cơ khác,
sâu xa trong vô thức, hiểu như là xung lực tâm lí tộc người được cố định vào văn hóa, tạo
nên tính cố hữu trong lựa chọn đất sống, cốt làm sao để có thể duy trì được nền tự trị tộc
người. Tự do trên đỉnh núi.