trai H’mông (Lê Trung Vũ 1984: 11). Với người H’mông, nước (cha con vua biển) luôn là
kẻ thù địch
. Văn học dân gian H’mông thiếu vắng yếu tố biển. Biển họa hoằn lắm mới
đi vào văn học H’mông, nhưng mờ nhạt và gắn liền với sự sợ hãi
. Điều này giống với
người Việt
trong quá khứ, nhưng là giống trong sự nghịch đảo, bởi người Việt-đồng-
bằng của bùn lầy châu thổ với bờ biển rộng và dài luôn rất sợ rừng. Rừng là nỗi ám sợ, nơi
được người Việt tưởng tượng như là kết tụ bởi “sơn lam chướng khí”, hay “rừng thiêng
nước độc” (Nguyễn Tùng-Krowolski 2002). Papin có lí khi nhận xét rằng diễn ngôn văn
học trung đại của người Việt vắng bóng yếu tố rừng (Papin 1999). Những kẻ trên núi và
những kẻ ở đồng bằng, do sự đứt gãy mãnh liệt của địa lý Việt Nam, đã qui định sự khu
biệt văn hóa tương đối, nên trong quá khứ, họ đã rất khó để cộng thông không gian văn hóa
của nhau. Vì thế, nhìn từ núi xuống đồng bằng, và từ đồng bằng ngước nhìn lên núi, quá xa
xôi, người ta đã không trông thấy nhau thật rõ. Họ chỉ còn biết về nhau trong những niềm
tin tưởng tượng mang màu sắc thù địch của kẻ khác mình. Đồng bằng châu thổ trong hình
dung của người H’mông, vì thế, là không gian của vùng đất thấp, của đỉa, loài hút máu, đe
dọa, đầy đáng sợ. Nhiều tư liệu dân tộc chí đầu thế kỷ đã nhắc đến chi tiết thú vị này. Và
không chỉ Việt Nam, ngay ở Lào, tình hình cũng tương tự, người H’mông luôn chiếm ở độ
cao nhất, trên 900m. Theo như McCarthy: Họ hạnh phúc khi lựa chọn đỉnh núi làm nơi trú
ngụ, nơi mà họ luôn được cảm nhận một khí hậu mát mẻ và họ có một thành kiến về việc
sống trên mặt đất. Người Lào nói rằng họ không thể sống ở nơi mà phải nghe tiếng ếch
nhái. Ở cao, người H’mông tránh được muỗi và những con kí sinh trùng có đầy ở vùng đất
thấp. Họ ưa sống trên cao và không có đề kháng được với những bệnh tật thuộc vùng đất
thấp. Khi họ mạo hiểm xuống núi họ thường bị ốm và chết, đó như một lời nguyền rủa bởi
những người Lào vùng đất thấp (Corlett 1999: 31). Vậy, ở đâu cũng thế, người miền núi và
người miền xuôi thường nghĩ về nhau trong những định kiến sai lầm đến kinh ngạc!
Vùng đất/đá của người H’mông, vì thế, không phải đất dữ như suy nghĩ của người các
đồng bằng, trái lại, đất sống chỉ có thể là những ngọn núi cao, nơi đời đời được bao phủ bởi
sương mù. Sương mù làm cảnh vật miền núi thêm mấy phần thơ mộng. Nên, người ta sống
trong bồng bềnh, với người H’mông, ở núi đó là một định mệnh. Bởi, như truyện kể truyền
bản lại, ông tổ người H’mông đã phải chọn đỉnh núi trong lần chạy đua với các tộc người
khác để dành đất sống.
Trong suốt quãng đường đua, thật xuất sắc, ông luôn là người dẫn đầu. Gần về đích,
đúng chỗ đến các đỉnh núi, thật trớ trêu, ông bị trượt ngã gãy chân. “Cú ngã định mệnh” ở
đỉnh núi ấy, trong trường đua cuộc đời, được người H’mông “nhớ đi nhớ lại” và truyền bản
trong truyện kể dân gian như lối an ủi tinh thần bằng folklore nhằm lí giải cho số phận tộc
người phải ở lại mãi mãi nơi non cao thăm thẳm (Lê Trung Vũ 1984: 16; Doãn Thanh và...
1963: 39; Savina 1924)
. Ở núi truyền đời, nên với người H’mông, não trạng tộc người