Người H’mông với thói quen lịch sử, cố hữu cư trú trên các đỉnh núi, sớm thích nghi
với môi trường sống khắc nghiệt, nên càng phân tán thành các đốm da báo. Hãy một lần
theo dấu chân dân tộc học, tìm đến các bản người H’mông ở trên đỉnh núi. Nhà người
H’mông đấy, ngay quả núi trước mắt kia thôi, tưởng “ngon ăn”, thích thì tới. Nhưng phải
leo núi mới hiểu bước chân cao. Mất nửa ngày vật lộn để tìm đường di chuyển tới một ngôi
nhà H’mông ngay trước mặt là chuyện thường ở núi. Thế mà, cái sự kiện di chuyển kì lạ,
vất vả ấy lại là cái thường ngày của H’mông. Có một thuyết về tộc danh Mèo, theo kiểu từ
nguyên học dân gian, vì họ leo núi, vượt rừng là sở trường nên trong quá khứ bị gọi là Mèo,
ý nói có sức dẻo dai nhanh nhẹn như loài mèo
. Sống trên các đỉnh núi, người H’mông với
thói quen lâu đời đã chiếm dụng những nơi có địa hình cao nhất thuộc về các quốc gia có
người H’mông di cư đến. Ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học rất sớm ghi nhận sự kiện người
H’mông chính là chủ nhân của những đỉnh núi cao nhất, mà tôi gọi là nóc nhà của Việt
Nam. Bác sĩ Girard viết: người H’mông luôn luôn cu trú những nơi có độ cao trên 1200m
(Girard 1904: 19); cô Cuisinier thì viết: người Mèo luôn ở chót vót núi cao trên 1400m
(Cuisinier 1995: 91). Nhà địa chất Lê Bá Thảo cũng nhận thấy trên bề mặt địa lý miền núi
Việt Nam, người H’mông gần như ở khắp nơi trên các đỉnh núi mà cao độ trung bình là trên
1000m (Lê Bá Thảo 1998: 359-360). Điều này đã được J. Scott (2009) xác nhận về người
H’mông nói chung thuộc Zomia: H’mông có xu hướng cư trú ở rất cao (giữa 1000 và
1800m) trồng ngô, thuốc phiện và kê là những loại sẽ phát triển tốt trên độ cao đó. Nếu
quan sát từ trên cao hoặc trên bản đồ, H’mông xuất hiện như những tán xạ ngẫu nhiên của
các vệt nhỏ. Có hiện tượng này bởi vì họ đã chiếm đỉnh núi, dời bỏ những đoạn lưng chừng
và luôn dè chừng ngăn ngừa với nhóm người thung lũng và nhóm người khác. Cố gắng trì
níu hên tự trị tộc người dựa vào địa hình hiểm trở, người H’mông có xu hướng chọn những
nơi ở mà chỉ cần quan sát qua cũng đủ cho thấy tất cả sự bất lợi trong cư trú và sản xuất.
Đổi lại, họ đã duy trì được sự tự do đáng kể. Di dân và ở đỉnh núi làm thành đất sống của
người H’mông, như đúng ý nghĩa bài di dân ca Miêu tộc Đông Nam Quí Châu: "Mặt trời
mặt trăng đi sang phía Tây, núi sông đi về phía Đông, tổ tiên đi phía mặt trời lặn, trèo đèo
lội suối đi sang phía Tây. Phía Tây núi trùng trùng điệp điệp, cao vời vợi, đây là nơi đất
tốt, đây là nơi sinh sống vui tươi” (Trần Hữu Tiệp 2007: 16). Triết lí sống của người
H’mông, đó là triết lí tự do, kiêu hùng của loài hổ trong truyện kể dân gian Hổ và Ngựa. Hổ
quyết không làm thân trâu ngựa. Đời trâu ngựa có thể an nhàn đấy, cỏ sẵn trong máng, ở
trong chuồng không phải dãi dầm mưa nắng, nhưng đổi lại chịu để cho người ta đeo ách,
đánh đập, leo cưỡi lên lưng. Hổ dù phải lang thang trong rừng sâu núi thẳm vất vả kiếm
miếng ăn, đổi lại, nó được món quà của tự do, tự tại (Doãn Thanh và... 1963: 96-98
. Bởi,
người H’mông thật hiểu, nếu chọn sống như ngựa, đã ăn ở nhờ người thì phải lụy người.
Giống như lối nói của tục ngữ H’mông: “ăn gạo người ta phải làm con người ta”, hay “nhờ
Hán thì phải lụy Hán” (Lê Trung Vũ 1994: 45). Thế thì còn đâu sự tự do!