cô độc. Người và núi hòa vào nhau trong một cảnh quan. Những ruộng bậc thang hùng vĩ,
kì quan của sức người miền núi đá. Những cung đường cua hiểm nguy ngoạn mục, gợi
nhắc một tình thế sống hiểm nguy mà thơ mộng, đi giữa núi cao và hố thẳm. Những bức
tranh phong cảnh cứ thế đan cài, dài 160 km mang tên cao nguyên đá Đồng Văn.
Nhưng sống với cái thơ mộng còn là sự khắc nghiệt. Giống như ánh sáng đi liền với
bóng tối vậy. Với cấu trúc địa lý tạo bởi các hệ thống núi hình vòng cung, mở rộng theo
hình quạt làm cho các đợt sóng lạnh theo đó mà lan rất xa, tới tận đồng bằng sông Hồng và
vào tận phía Nam. Người đồng bằng mà nghe tới “gió mùa Đông Bắc” là lòng đã run cầm
cập. Đông Bắc vì thế mà lạnh hơn Tây Bắc trung bình từ 2 - 3°C (Lê Bá Thảo 1998: 354).
Và theo qui luật, càng lên cao thời tiết càng lạnh hơn. Cao nguyên đá trong mùa đông nhiệt
độ nhiều khi dưới 0°C, có tuyết phủ, nên gợi nhắc đến kí ức về môi trường sống của tổ tiên
người H’mông xa xưa ở nơi lạnh lẽo và băng giá. Sự khắc nghiệt của thời tiết, điều kiện
thiếu nước, thiếu đất canh tác và giao thông khó khăn khiến cao nguyên đá bị cô lập trong
khốn khó. Đời sống của người dân vùng cao nguyên đá Đồng Văn luôn vào loại thấp nhất
cả nước về mọi mặt.
Đại Nam nhất thống chí phần chép về khí hậu tỉnh Tuyên Quang ngày ấy (gồm cả đất Hà Giang ngày
nay) đã để lộ ra nỗi “khiếp hãi” của người đồng bằng khi “hình dung” về một vùng đất khó khăn, của “sơn
lam chướng khí”: “Mùa hè và mùa thu thường mưa nhiều. Mùa đông và mùa xuân thường âm u, mỗi khi
mưa lâu tiếp đến ngày nắng, thì khí nóng khác thường; đến tiết Sương giáng thường có gió rét, tháng 3 và
tháng 9 khí nóng nung nấu, nhiều người bị cảm (...) Châu Vị Xuyên và Chiêm Hóa sáng ngày còn mây mù,
đến giờ Ngọ mới trông thấy mặt trời. Huyện Để Đinh và huyện Vĩnh Tuy, hàng năm đến mùa đông giá rét,
nước đông thành băng, (xã Mậu Duệ huyện Đê Định và các xã thuộc tổng Tụ Long huyện Vĩnh Tuy, giáp
với đất nước Thanh. Mùa đông rét buốt, nước đông lại thành băng. Người ta thường lấy dao sắt đào từng
khối, bỏ vào sọt tre gánh về, dùng lửa đun cho chảy ra, mới có thể thổi nấu được)” (Đại Nam nhất thống chí
2006: 397-398). Trong quá khứ, sự khắc nghiệt của khí hậu cũng đã góp phần làm gián cách “hữu hiệu”
đồng bằng và miền núi, giúp miền núi giữ được sự tự trị với miền xuôi khi làm chùn chân, nhụt chí chinh
phạt của các đạo quan binh đồng bằng. Sự khó khăn của khí hậu miền núi thời trung đại là lớn lao hơn rất
nhiều so với hình dung của chúng ta ngày nay. Bởi, như xác nhận của nhà địa lý Lê Bá Thảo ở thời hiện đại
như đã dẫn trên thì sự khắc nghiệt của khí hậu miền núi ngày nay vẫn là đáng kể.
Cao nguyên đá thêm nữa, còn mang đặc điểm địa lý bị chia cắt mạnh bởi địa hình.
Điều này liên quan mật thiết đến các đặc tính của các khối đá vôi ở đây nói chung đang ở
giai đoạn karst còn trẻ. Bề mặt cao nguyên bị phá hủy nhưng các thung lũng còn hẹp và
tương đối kín. Những núi còn lại chiếm diện tích lớn có khi dăng thành những bức tường
sừng sững. Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy lúc còn trẻ trai, rong ruổi miền cao nguyên đá, tới
Yên Minh, gặp những bức tường thiên nhiên sùng sững chắn trước mặt, cảm thán mà than,
sao hiểm trở như đường vào đất Thục (Đỗ Lai Thúy 2005). Do địa hình bị chia cắt dữ dội