phía nào chiến thắng thì họ cũng là kẻ chiến bại. Lịch sử tộc người hiện đại Đông Nam Á,
với sự phân ly của các nhóm tộc người theo về hay ép buộc phải theo về các ý thức chính
trị khác nhau là một bi kịch lớn lao cho thân phận những con người thiểu số đã cố ẩn náu
trên núi rừng mà vẫn không được yên thân.
3/ Ẩn đằng sau các thân phận kép của tộc người ấy là khát vọng tồn vong, duy trì tự
chủ và đôi lúc bùng lên như một đốm lửa để lụi tàn nhanh chóng với những nổi loạn thiểu
số. Ngày nay, với sự lớn mạnh của các quốc gia đồng bằng, khát vọng tự trị tộc người chỉ
còn là quá khứ. Nhưng dường như truyền thống, những "căn tính tộc người" không mất đi,
nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Nỗ lực tự trị chuyển hướng duy trì ở tập thể ý
thức "kiến tạo" một căn cước văn hóa bản sắc riêng mang dấu ấn tộc người.
o0o
Phần lịch sử của các trung tâm quyền lực miền núi đã lùi vĩnh viễn lại cùng quá khứ
của nước Việt Nam trung đại. Nhưng tôi vẫn buộc phải trở ngược về quá khứ, làm một điều
quá sức là tìm kiếm một thực tại khác về lịch sử Việt Nam, phần nhìn từ núi. Xuất phát từ
H’mông, để trả lời cho câu hỏi bằng cách nào mà người H’mông đến Việt Nam khá muộn,
chỉ 3 thế kỷ, vẫn có thể chen chân, tìm kiếm được một vị trí trong thang bậc quyền lực "thế
giới (miền núi) phía bắc Việt Nam", nơi mà địa - chính trị dường như đã rắn chắc với vành
đai quyền lực Mường - Thái - Tày phụ thuộc Việt ở đồng bằng đã ngàn năm. Câu trả lời, lại
nằm ở bộ từ khóa (key words) nhằm xác lập "cá tính H’mông" ở đời, được tôi đưa ra ngay
từ đầu, gồm: tâm thức lưu vong - tâm thức di dân - tâm thức mồ côi, ám ảnh Hán, tự tử, nổi
loạn, tự do, mộng mơ, tình yêu, tự trị tộc người, quyền lực miền núi. Từ cái này dẫn đến cái
kia, cá tính H’mông nổi loạn, quyết liệt, thiện chiến, với thói quen và hệ thống tri thức bản
địa cho phép duy trì thành công nền kinh tế tương thích với hình thái cư trú đỉnh núi đã
giúp họ tìm thấy một không gian tự trị để áp đặt quyền lực tộc người ngay trên các đỉnh
núi, phần bỏ trống, là đất hoang với các tộc người thung lũng trồng lúa Mường - Thái - Tày.
Nhưng người ta không thể tồn tại nếu thế giới nội tâm chỉ ngả mãi về một chiều, chiều cực
đoan đấu tranh quyết liệt và dữ dằn. H’mông cũng thế, những lễ hội mùa xuân, nền văn hóa
khai phóng tính dục, tự do hôn nhân, chợ tình, tục kéo/bắt/cướp dâu và nhất là những bài ca
dân gian, lời than thân trách phận hay sự bồng bềnh trong tình yêu đôi lứa được hát mọi
thời điểm, không gian, tất cả đem lại cho H’mông một chiều kích khác của hiện hữu, sự
mộng mơ bên cạnh sự quyết liệt. Đó là lối đạt đến sự quân bình trong đời sống tâm lí tập
thể H’mông. Tất cả, là dấu chỉ vào sự thông hiểu tồn tại của H’mông ở đời. Một hiện hữu
H’mông: hiểm nguy, hùng vĩ, tự do và thơ mộng như những đỉnh núi cao bất tận, vô danh,
đời đời mù sương phủ.