tất cả chúng ta sẽ cùng nhau đi Ấn Độ” và tôi tin rằng huân tước Glenarvan
cũng sẽ không phản đối. Nhưng vấn đề là “Duncan” cần đi châu Mỹ để tìm
cứu những người bị nạn ở vùng bờ biển Patagonia, đưa họ về nước, vì vậy
nó không thể từ bỏ mục đích nhân đạo như thế.
Mấy phút sau, nhà du hành người Pháp đã hiểu cặn kẽ sự việc. Ông không
nén nổi hồi hộp khi nghe nói về việc tìm thấy lá thư trong chai, về thuyền
trưởng Grant và lời đề nghị đầy lòng độ lượng của huân tước phu nhân
Helena.
- Thưa quý bà, - nhà bác học nói với Helena, - cho phép tôi được bày
tỏ lòng khâm phục vô hạn đối với hành vi cao cả của bà. Xin bà cứ cho tàu
tiếp tục cuộc hành trình của nó. Tôi không thể tha thứ cho mình nếu làm tàu
chậm trể dù chỉ một ngày.
- Vậy ngài có muốn đi cùng với đoàn thám hiểm chúng tôi không? –
huân tước phu nhân hỏi.
- Không thể như vậy được, tôi phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tôi sẽ rời tàu ngay ở bến đỗ đầu tiên.
- Nghĩa là ở Madere, - John Mangles nhận xét.
- Cứ cho là ở Madere. Từ đó tôi chỉ có cách Lisbone cả thảy một trăm
tám mươi hải lý và sẽ đợi chuyển sang tàu khác.
- Biết làm sao được, thưa ngài Paganel, – Glenarvan nói, - đành phải
thế vậy. Còn về tôi, tôi hân hạnh có dịp được tiếp ngài ở thăm vài ngày trên
tàu của chúng tôi, hy vọng rằng ngài sẽ không cảm thấy buồn tẻ quá khi
sống với chúng tôi.
- Ồ, - nhà bác học kêu lên, - thưa huân tước, nhầm tàu một cách thuận
lợi thế này còn là may mắn lắm ! Hơn nữa, không thể không công nhận
rằng, một người định đi Ấn Độ mà lại nhầm tàu đi châu Mỹ, thì quả là nực
cười quá đỗi.
Tuy còn buồn, nhưng Paganel đã buộc lòng phải chấp nhận sự chậm trễ mà
ông không thể cưỡng lại được. Ông ta là một người rất đáng yêu, vui tính,
tất nhiên hơi đãng trí, và đã làm cho quý bà, quý cô luôn luôn hài lòng.
Paganel làm quen với mọi người chưa đầy một ngày. Nhưng ông đã yêu
cầu được xem bức thư quan trọng và đã nghiên cứu bức thư khá kỹ lưỡng.