nhanh đến thế. Anh chẳng mấy tự khoe, khác xa cái phong thái kiêu
căng tự phụ mà sự thành đạt đem lại cho anh sau này. Hôm sau trong
lúc ăn trưa mọi người nói đến âm nhạc: về vấn đề này anh nói hay. Tôi
mừng rỡ khi biết anh đệm đàn clavecin. Sau bữa ăn mọi người cho
đem đến các bản nhạc, chúng tôi chơi nhạc suốt ngày trên cây đàn
clavecin của hoàng tử, và tình bạn khởi đầu như vậy, một tình bạn
thoạt tiên thật ngọt ngào đối với tôi, cuối cùng thật độc hại, mà từ giờ
trở đi tôi sẽ phải nói đến rất nhiều.
Trở về Paris, tôi biết tin vui là Diderot đã ra khỏi Vọng lâu, và
người ta đã lấy lâu đài cùng khuôn viên Vincennes làm nơi giam lỏng,
với lời cam đoan của anh, đồng thời cho phép anh gặp bè bạn. Thật
khổ sở cho tôi biết mấy vì không thể chạy ngay lập tức đến đó! Nhưng
bị những công việc khẩn thiết giữ lại ở nhà bà Dupin hai ba ngày, sau
mấy hôm nóng lòng sốt ruột tựa ba bốn thế kỷ tôi phi vào vòng tay
bạn. Khoảnh khắc khôn tả! Anh không ở một mình. D’Alembert và
người quản lý tài chính của Giáo đường Vincennes đang ở cùng anh.
Khi vào tôi chỉ thấy có anh, tôi chỉ nhảy một bước, reo một tiếng, tôi
áp mặt mình vào mặt anh, tôi xiết chặt anh và chỉ nói với anh bằng
những hàng nước mắt và những tiếng nức nở; tôi ngạt thở vì yêu
thương và vui mừng. Động tác đầu tiên của anh, khi ra khỏi vòng tay
tôi, là quay sang giáo sĩ, và bảo ông ta: “Thưa ngài, ngài thấy bạn bè
của tôi yêu mến tôi như thế nào.” Hoàn toàn đắm mình trong nỗi xúc
động, lúc đó tôi không nghĩ ngợi về cái cách lợi dụng xúc động này
như vậy. Nhưng từ thời gian ấy, đôi khi nghĩ đến chuyện này, bao giờ
tôi cũng cho rằng, giả sử ở vào địa vị Diderot, đó sẽ chẳng phải ý
tưởng đầu tiên đến với tôi.
Tôi thấy anh rất buồn phiền mệt mỏi vì bị giam giữ. Vọng lâu đã
gây cho anh một ấn tượng khủng khiếp, và mặc dù ở lâu đài rất dễ
chịu, tự do dạo chơi trong một khuôn viên thậm chí không có tường
vây kín, song anh cần giao tiếp với bạn bè để khỏi buông mình cho