tính khí u uất của anh. Vì chắc chắn tôi là người xót thương hơn cả
cho nỗi khổ của anh, nên tôi nghĩ rằng mình cũng là người mà việc
gặp gỡ có lẽ sẽ an ủi anh nhiều hơn cả, và chậm nhất là hai ngày một
lần, bất chấp những công việc đòi hỏi nghiệt ngã, tôi đến ở với anh
buổi chiều, hoặc một mình, hoặc cùng vợ anh.
Năm 1749 ấy, mùa hè nóng cực độ. Từ Paris đến Vincennes là hai
dặm. Ít có điều kiện thuê xe ngựa, nên khi nào đến thăm một mình thì
vào hai giờ chiều tôi đi bộ, và đi nhanh để tới nơi được sớm hơn. Cây
cối bên đường, luôn được tỉa cành tia lá, theo kiểu của địa phương,
hầu như không cho một bóng mát nào, và nhiều lần, lử người vì nóng
và mệt, tôi nằm dài xuống đất không gắng gượng được nữa. Để giữ
bước chân vừa phải, tôi nghĩ ra cách cầm theo quyển sách nào đó. Một
hôm tôi cầm theo tờ Mercure de France
, và trong lúc vừa đi vừa đọc
lướt, tình cờ tôi thấy câu hỏi do Viện Hàn lâm Dijon đề xuất cho giải
thưởng năm sau: Sự tiến bộ của khoa học và nghệ thuật góp phần làm
cho phong tục thuần khiết hay đồi bại?
Lúc đọc điều này tôi nhìn thấy một thế giới khác, và tôi thành
một con người khác. Mặc dù tôi có một hồi ức sống động về ấn tượng
do điều ấy gây nên, song đã quên các chi tiết từ khi tôi ký thác chúng
vào một trong bốn bức thư gửi ông De Malesherbes. Đó là một trong
những nét đặc dị của trí nhớ tôi, đáng được nói rõ. Trí nhớ chỉ giúp tôi,
chừng nào tôi dựa vào nó: tôi vừa phó thác điều lưu trữ lên giấy, là nó
bỏ tôi; và khi đã viết ra một điều, là tôi không còn nhớ gì về điều đó
nữa. Nét đặc dị này đeo đẳng tôi cả đến trong âm nhạc. Trước khi học
nhạc tôi thuộc lòng vô số bài hát: vừa mới biết hát theo điệu nhạc
được ghi, là tôi không thể nhớ được một bài nào; và tôi nghi ngờ rằng
trong những bài mình từng yêu thích nhất, giờ đây mình có thể hát lại
trọn vẹn chỉ một bài.
Điều tôi nhớ rất rõ trong trường hợp này, là khi đến Vincennes tôi
ở trong một tình trạng khích động gần như mê sảng. Diderot nhận ra