thành thử ông ta khiến được tôi nhận khoản lương một ngàn franc. Tôi
được hai mươi louis lộ phí, và tôi ra đi.
Đến Lyon, tôi rất muốn theo đường Núi Cenis để tạt qua thăm Má
tội nghiệp của tôi. Nhưng tôi xuôi sông Rhône và lên tàu ở Toulon, do
chiến tranh và để tiết kiệm, cũng để lấy một giấy thông hành của ông
De Mirepoix, người mà tôi được cử tới gặp, và khi đó đang chỉ huy tại
Provence. Ông De Montaigu, do không thể không cần đến tôi, gửi cho
tôi hết thư này đến thư khác để giục tôi đi gấp. Một sự cố khiến
chuyến đi chậm lại.
Đó là thời gian có bệnh dịch hạch ở Messine. Hải quân Anh đã
từng buông neo tại Messine và đã kiểm tra con thuyền tôi đang đi.
Điều này khiến chúng tôi khi đến Gênes, sau chuyến vượt biển dài và
vất vả, phải cách ly hai mươi mốt ngày. Người ta cho hành khách chọn
cách ly tại thuyền hay tại nhà phòng dịch ở cảng, mà họ báo trước là
chúng tôi sẽ chỉ thấy bốn bức tường, vì họ chưa có thời gian bày biện
đồ đạc. Tất cả đều chọn con thuyền, cái nóng không chịu nổi, không
gian chật chội, tình trạng chẳng thể đi lại trong đó, chấy rận, khiến tôi
chọn nhà phòng dịch, phó mặc rủi may. Tôi được dẫn lên một tòa nhà
lớn hai tầng hoàn toàn trơ trụi, không cửa sổ, không giường, không
bàn, không ghế, thậm chí không có lấy một chiếc ghế đẩu để ngồi,
không một bó rơm để nằm. Họ mang cho tôi tấm áo choàng, túi hành
lý, hai chiếc rương của tôi; họ đóng lại những cửa ra vào to nặng có
những chiếc khóa to nặng, và tôi ở lại đó, tha hồ đi dạo từ phòng này
sang phòng khác và từ tầng này xuống tầng khác, đâu đâu cũng gặp
vẫn cảnh quạnh hiu ấy và sự trơ trụi ấy.
Tất cả những điều này chẳng khiến tôi hối hận vì đã chọn nhà
phòng dịch hơn là con thuyền, và, như một Robinson mới, tôi bắt đầu
thu xếp cho hai mươi mốt ngày của mình cứ như thể thu xếp cho cả
đời mình. Thoạt tiên tôi có trò vui là săn lùng những con rận đã lây
trên thuyền. Cuối cùng, khi đã sạch sẽ tinh tươm nhờ cứ thay mãi đồ