dù ông có đủ mọi mật hiệu cần thiết cho việc đó. Cả đời chưa từng
làm việc trong một văn phòng nào cũng chưa từng nhìn thấy một mật
hiệu của đặc phái viên, mới đầu tôi sợ mình bị lúng túng; nhưng tôi
thấy không gì đơn giản hơn, và chưa đầy tám ngày tôi đã đọc được tất
cả, chắc chắn chẳng bõ công; vì, ngoài chuyện đại sứ quán tại Venise
bao giờ cũng khá nhàn rỗi, thì với một con người như thế người ta
chẳng muốn giao phó một việc thương lượng nhỏ nhoi nào. Ông ta đã
ở trong tình trạng hết sức lúng túng cho đến khi tôi tới nơi, do chẳng
biết đọc để người khác viết, cũng chẳng biết viết để người ta xem
được. Tôi rất có ích cho ông ta; ông ta cảm thấy như vậy và đối xử với
tôi tử tế. Còn một lý do khác nữa. Từ thời ông De Froulay, người tiền
nhiệm, mà trí óc đã bị rối loạn, thì lãnh sự Pháp, là ông Le Blond, đảm
trách công việc của đại sứ quán, và sau khi ông De Montaigu đến, ông
vẫn tiếp tục đảm nhiệm cho đến khi giúp ông này biết được mọi việc,
ông De Montaigu, ghen ghét vì một người khác làm chức nghiệp của
mình, mặc dù bản thân mình không làm nổi, chẳng ưa ông lãnh sự, và
tôi vừa đến nơi, là ông ta tước của ông lãnh sự các nhiệm vụ của bí thư
sứ quán để giao cho tôi. Nhiệm vụ không tách rời chức vị; ông ta bảo
tôi giữ lấy chức vị này. Trong thời gian tôi còn ở bên ông ta, bao giờ
ông ta cũng chỉ cử tôi với danh nghĩa đó đến nghị viện hoặc gặp người
thương thảo với ông ta; và thực ra đó là điều rất tự nhiên khi ông ta
thích có một người của mình làm bí thư sứ quán hơn là một lãnh sự
hoặc một nhân viên văn phòng do triều đình đề cử.
Việc này khiến cho tình thế của tôi thành khá dễ chịu, và ngăn
các nhà quý tộc tùy tùng của ông, là người Ý, cũng như các thị đồng
và phần lớn gia nhân, tranh giành với tôi quyền ưu tiên trong sứ quán.
Tôi sử dụng thành công uy lực gắn với sứ quán để giữ gìn quyền tự trị,
tức là sự độc lập của khu vực sứ quán, chống nhiều mưu toan vi phạm
mà các sĩ quan người Venise của ông chẳng hề có ý cưỡng lại. Nhưng
tôi cũng không bao giờ chịu để cho bọn côn đồ vào trốn tránh, mặc dù