LỜI NÓI ĐẦU
Tác giả và tác phẩm có bao giờ chia nhau cùng số phận? Có bao giờ đi
bên nhau suốt hành trình cuộc đời? Trần Dần và Những ngã tư và những cột
đèn của ông có lẽ là những ngoại lệ, có xa cách, có hội ngộ, và mỗi bên
theo đuổi một số phận khác thường.
Trần Dần viết Những ngã tư và những cột đèn sau một thời gian tiếp
xúc với nhiều ngụy binh cũ thời Pháp thuộc. Sở Công an Hà Nội đã cấp
giấy phép ra vào trại giam, để sau đó bản thảo được gửi lên Sở Công an, khi
đã hoàn thành. Đây là bản viết tay duy nhất, đề năm 1966.
Cuộc chia tay của tác giả và tác phẩm kéo dài 22 năm. Một ngày năm
1988 Sở Công an Hà Nội mang bản thảo trả lại Trần Dần, tại nhà riêng,
cùng tập thơ chép tay Cổng tỉnh. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng toàn
bộ các nhà xuất bản đều từ chối ông, cùng Những ngã tư và những cột đèn,
mặc dù trên danh nghĩa, Trần Dần và các bạn của ông thời Nhân văn-Giai
phẩm đã được Hội Nhà văn chính thức ra quyết định phục hồi năm 1987.
Những ngã tư và những cột đèn, cùng mọi tác phẩm khác, lại bị trả vào
ngăn kéo. Phải chờ thêm bốn năm sau ngày nhận lại hội tịch, tác phẩm đẩu
tiên của Trần Dần mới được xuất bản, năm 1990, là cuốn Bài thơ Việt Bắc.
Trước khi Trần Dần mất hẳn khả năng làm việc, vì bệnh tật, ông đã
quay trở lại với Những ngã tư và những cột đèn một lần nữa, lần cuối cùng.
Ông chép lại, và sửa chữa chủ yếu về văn phong. Trong nhật ký 1989, ông
nhắc nhiều lần về tiểu thuyết này, ông còn muốn viết một tiểu thuyết nữa.
Thế rồi một Những ngã tư và những cột đèn khác ra đời, nhưng cũng là lúc
ông khép lại nhật ký đời ông, khép lại những Sổ bụi, cùng toàn bộ sáng tác.
Đấy là những ngày giao thừa giữa năm 1989 và 1990.
Lần xuất bản thứ nhất này, của Những ngã tư và những cột đèn, sẽ
đánh dấu 21 năm nữa, từ ngày bản thảo được sửa chữa. Và 44 năm, sau