doanh nghiệp không làm được điều này sẽ nhanh chóng bị đẩy vào
tình trạng phá sản. Và đây có thể là những cái chết rất oan khiên,
những nạn nhân không đáng có của độc quyền. Nạn nhân tiếp theo
rất dễ đoán ra là khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.
Đối tượng bị “làm bàn” thứ ba là những người tiêu dùng bình
thường. Trong lúc, tuyệt đại đa số những người này được trả lương
theo thị trường lao động của Việt Nam, thì những loại hàng hóa, dịch
vụ nằm ngoài sự điều tiết của thị trường là những rủi ro không thể
tiên liệu trước. Mức sống, cũng như thu nhập của họ sẽ bị ảnh
hưởng nặng nề bởi sự tăng giá độc quyền mà không có nguồn bù
đắp.
Thế thì ai được lợi bởi độc quyền kinh doanh? Tất nhiên, những
doanh nghiệp đang giữ vị thế độc quyền. Điều dễ hiểu là: một anh
thợ cắt tóc không thể ra giá trên trời vì khách hàng sẽ lập tức từ bỏ
anh ta để đến với một anh thợ cắt tóc khác đòi giá rẻ hơn. Chị bán
hột vịt, cô bán đậu phộng... đều phải tuân theo quy luật nghiệt ngã
này. Tất cả các chủ thể kinh doanh đều chỉ có một sự lựa chọn duy
nhất trong một thị trường cạnh tranh là phấn đấu nâng cao chất
lượng và hạ giá thành sản phẩm. Chính điều này làm cho kinh tế
liên tục phát triển và cuộc sống của chúng ta ngày càng dễ chịu hơn.
Các doanh nghiệp chiếm giữ độc quyền thì lại không phải chịu sức
ép phải cải tiến và nâng cao hiệu quả không ngừng. Tệ hơn nữa, họ
có thể đưa toàn bộ sự yếu kém, thua lỗ, cũng như nhu cầu tái đầu
tư của mình vào giá cả. Bằng cách này, vô hình trung tất cả chúng ta
đều trở thành những người bù lỗ hoặc những người mua cổ phần
không được hưởng cổ tức.
Tuy nhiên, suy cho cùng độc quyền chỉ có lợi cho một số người
đang nắm quyền kinh doanh hiện nay, chứ về lâu về dài chưa hẳn
đã có lợi cho các doanh nghiệp độc quyền. Với quá trình hội nhập