PV: Những thay đổi trong đời sống gia đình ảnh hưởng tới tâm lý của lớp
trẻ ra sao?
NSD: Điều dễ nhận thấy là do quá bận với công việc và học hành, các thành
viên trong gia đình còn rất ít thời gian dành cho nhau. Tôi đã từng đọc một
câu khẩu hiệu ghi trên xe buýt ở Canada: “Không có sự thành đạt nào trong
công việc có thể bù đắp được cho thất bại trong đời sống gia đình”. Đây là
một câu khẩu hiệu hay. Nhưng kết hợp sự thành đạt trong công việc với
hạnh phúc gia đình quả là không dễ dàng. Rất nhiều gia đình trong xã hội
chúng ta mới chỉ làm được vế thứ nhất. Các bạn trẻ trong những gia đình
này thường có cuộc sống vật chất rất đầy đủ, nhưng ít được bố mẹ quan tâm
chăm sóc hơn. Đây là một kiểu thừa bơ sữa, thiếu tình thương.
PV: Ông có cho rằng cuộc sống của chúng ta đang mất dần đi tính nhân
bản?
NSD: Có lẽ tình hình không đến nỗi bi đát như vậy. Tuy nhiên, chúng ta
đang đứng trước nguy cơ: tiến bộ về vật chất không phải bao giờ cũng củng
cố được tiến bộ về tinh thần. Thực tế, do quá bận rộn, chúng ta không còn
thời gian cho thể thao, văn hóa và giao tiếp. Có cảm giác chúng ta là những
thực thể cô đơn chen chúc nhau trên đường phố, hơn là một cộng đồng
người gắn kết và có mục đích chung.
PV: Theo ông, người trẻ tuổi làm cách nào để lấy lại thăng bằng khi rơi vào
nỗi cô đơn?
NSD: Theo tôi, các bạn trẻ nên đọc cuốn sách “Quẳng gánh lo đi mà vui
sống”. Cuộc sống đã là ân huệ lớn nhất của mỗi chúng ta. Mà khi chúng ta
đã có cái quý nhất, thì những cái khác đâu có đáng kể gì!
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng mọi người nên chơi thể thao và lao động để nỗi buồn
được giải thoát ra khỏi người cùng với mồ hôi.