giống như Trư Bát Giới thưởng thức những trái đào tiên. Chúng rất quý giá,
nhưng trôi tuột vào bụng mà chẳng để lại tí hương vị gì.
Liên quan đến việc con người cần thời gian để sống, điều đáng phấn khởi là
những người Việt làm công ăn lương cũng đã được nghỉ một tuần hai ngày:
thứ Bảy và Chủ nhật. Xem ra, đây là một quyết sách sáng suốt. Trước hết,
chúng ta có thêm thời gian để sống, để nghỉ ngơi, thậm chí để chuẩn bị cho
cái sự làm việc tốt hơn. Sau nữa, cứ nghĩ mà xem, tuy làm việc nhiều lúc
chúng ta còn chưa bằng thiên hạ, nhưng nghỉ ngơi thì có vẻ như đã không
thua kém gì ai.
Nghịch lý 2: Thời gian ai thiếu cứ thiếu, ai thừa cứ thừa. Thực tế cho thấy,
những người thừa thời gian xem ra nhọc nhằn hơn bởi lẽ “thời gian chúng
ta có là việc làm chúng ta không có”. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê,
tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố của nước ta là 6,44%; Tỷ lệ thời gian lao
động được sử dụng thường xuyên ở nông thôn là 73,86% (số liệu của năm
2000). Các tỷ lệ này không đến nỗi quá bi đát so với một số nước khác trên
thế giới. Tuy nhiên, khó có thể thống kê được nỗi lòng của những người
thất nghiệp. Đặc biệt là của những học viên mới ra trường sức dài, vai rộng
và chữ đầy bồ. Sau khi có được tấm bằng, nhiều cử nhân trẻ tuổi mới nhận
ra rằng “bồ chữ” của mình là thứ rất khó bán ở trên thị trường. Thị trường
và nhà trường có vẻ như không có mối quan hệ tương tác gì nhiều lắm.
Ngoài ra, tin hay không thì tùy, nhưng một trong những nguyên nhân gây
nên tình trạng thất nghiệp trong giới “lều chõng” ở ta là tâm lý thích học để
“làm quan”. Ngày nay, việc “một người làm quan, cả họ được nhờ” không
biết chính xác đến đâu, nhưng nếu “làm quan” là động lực phấn đấu của
giới trẻ thì chúng ta sẽ không bao giờ có được những Bill Gates của Việt
Nam (dám bỏ học để lao vào kinh doanh và trở thành người giàu nhất hành
tinh). Trong khi nền kinh tế đang cần các nhà kinh doanh giỏi, thì tâm lý
thích “làm quan” là một thứ “gậy chọc bánh xe” thật sự. Với một di sản như