XI
TU VIỆN PETIT PICPUS KHÔNG CÒN NỮA
Đầu thời kỳ Quân Chủ Phục Hưng, tu viện Petit Picpus suy tàn, trong sự
suy tàn chung của cả dòng tu này sau thế kỷ 18, cùng với tất cả các dòng tu
Công Giáo nói chung. Chiêm ngưỡng cũng như cầu nguyện trời là một nhu
cầu tinh thần của nhân loại; nhưng cũng như tất cả cái gì mà Cách Mạng đã
tác động đến, nhu cầu này cũng sẽ thay đổi và từ chỗ chống lại sự tiến bộ xã
hội, nó đã trở thành thuận lợi cho sự tiến bộ ấy.
Tu viện Petit Picpus vắng vẻ đi rất nhanh. Năm 1840 tu viện nhỏ không
còn nữa. Nhà lưu trú cũng không còn. Không còn những bà già, cũng không
còn những cô gái bé. Loại này thì chết. Loại kia thì đi. Volaverunt (Họ đã
bay đi).
Kỷ luật của dòng “Chầu Mình Thánh Hàng Ngày” khắc khổ quá làm cho
mọi người sợ: Người ta ngại không muốn vào dòng. Dòng không thêm được
tín đồ. Năm 1848, đây đó còn một vài bà phục vụ, nhưng xướng Thánh Kinh
thì không còn ai. Trước đây bốn mươi năm còn gần một trăm bà, cách đây
mười lăm năm chỉ còn hai mươi tám. Bây giờ còn được bao nhiêu? Năm
1847, Mẹ Nhất còn trẻ, điều này chứng tỏ là phạm vi những người được
chọn rút hẹp đi. Mẹ Nhất chưa đầy bốn mươi tuổi. Càng vắng thì càng mệt
nhọc; công việc của mỗi người nặng nhọc hơn. Bây giờ người ta thấy đã đến
gần cái thời kỳ chỉ còn độ mươi mười hai đôi vai đau khổ và cúi khom để
gánh vác cái kỷ luật nặng nề của Saint Benoît. Cái gánh nặng khắc nghiệt ấy
vẫn nguyên vẹn khi tu viện vắng vẻ cũng như lúc đông người. Nó nặng trĩu,
nó đè bẹp con người cho nên họ chết dần. Khi tác giả cuốn sách này còn ở
Paris, hai bà đã chết, một người hai mươi lăm tuổi, một người hai mươi ba
tuổi. Bà này có thể nói cái lời của Julia Alpinula: “Tôi nằm đây, tôi đã sống
hai mươi ba năm tròn".
Vì sự suy đồi ấy mà tu viện đã thôi không đảm
nhận việc giáo dục các cô gái nhỏ.
Chúng tôi không thể đi qua cái nhà kỳ lạ này, cái nhà không ai biết, tối
tăm, mà không vào, không dắt theo những người cùng đi với chúng tôi,
những người đang nghe chúng tôi kể câu chuyện buồn thảm của Jean