CHƯƠNG
XIV
C
ái phố huyện miền núi thật nghèo và có vẻ như rất tạm bợ. Dãy phố
chính kéo dài từ bến xe, qua cửa hàng bách hoá rồi ngoặt lên dãy đồi, nơi
đóng trụ sở của Uỷ ban nhân dân huyện và huyện uỷ, vẻn vẹn chỉ dài
khoảng dăm trăm mét. Lèo tèo vài ba cửa hàng may, chữa xe đạp, cắt tóc,
chữa rađiô, đồng hồ... làm cho dãy phố có phần sinh sắc lên nhưng đồng
thời nó cũng bộc lộ cái vẻ quê mùa, tẻ nhạt của một vùng mà sản xuất hàng
hoá kém phát triển, giao thông cách trở và đời sống tinh thần còn rất nghèo
nàn.
Có lẽ nhịp sống của phố huyện thực sự náo nhiệt, sôi động nhất là vào
các phiên chợ. Dịp ấy, dân từ các làng các bản, từ nông trường, lâm trường
kéo nhau xuống chợ, mang theo lỉnh kỉnh những bao, sọt đầy măng, mọc
nhĩ, đỗ tương, chè, lạc và biết bao nhiêu thứ sản vật của rừng. Những con
ngựa gầy trơ xương, thấp bé như những con la chở oằn lưng những bao tải
đồ hàng, mồ hôi ướt bết, thở phì phì và đôi lúc cao hứng hí vang. Những cô
gái Dao, Sán Chỉ, Cao Lan quanh vùng, quần áo chàm còn hăng mùi nhựa
cây, rực rỡ màu chỉ thêu, lấp lánh vòng bạc quanh cổ, trên tay, kéo nhau
từng tốp như đi hội. Chợ miền núi là một triển lãm kinh tế, đặc sản trong
vùng và là một ngày hội văn hoá. Đến phố huyện vào ngày chợ phiên mới
thấy hết tiềm năng và sự đa dạng nhiều màu sắc của một vùng quê còn ghi
đậm dấu ấn của thiên nhiên.
Nhưng vào cái buổi sáng ấy, khi chiếc ô tô khách cũ kĩ và nhem nhuốc từ
thị xã đưa khách vào bến thì phố huyện đang vào cái thời điểm vắng tanh
teo. Có lẽ do trời quá nắng. Chẳng ai dại gì mà đi dạo chơi, la cà trên con