xúc động. Lúc này đây ông thật chân thành. Những rãnh sâu trên vầng trán,
trên hai khoé mắt ông hằn xuống như những vệt đường khô nẻ. Bác ơi, vậy
mà cháu cứ nghĩ oan cho bác - Mến như muốn nói với ông - Bác nói đúng
quá. Phải rồi, rồi đứa con cháu sẽ sống ra sao, khi mà gnười mẹ của nó tự
bứt mình ra khỏi dòng chảy cay nghiệt của cuộc đời này?
- Bác ơi, bác hãy khuyên cháu nên như thế nào đi!
- Bác có một ông bạn bác sĩ trên bệnh viện tỉnh. Bác sẽ tự đưa cháu đến
đó. Bác sẽ thu xếp để cháu đi an dưỡng nửa tháng chẳng hạn. Cháu cứ yên
tâm rằng chuyện này chỉ có mình bác biết... Cháu phải hiểu cho bác rằng,
bác phải làm chuyện này, cũng như hàng ngày nhìn các cháu vui cười đấy
mà lòng vẫn thấy chua xót thế nào. Mọi sự hi sinh chịu đựng của bác so với
những thiệt thòi của các cháu thật chẳng có ý nghĩa gì.
Giọng ông già mỗi lúc một nhỏ lại. Và trong đôi mắt mờ đục của ông
bỗng rỉ ra hai giọt nước.
Suốt đêm ấy Mến không ngủ. Hai giọt nước mắt của người đoạn trưởng
già đủ khóc cho đứa con của cô rồi.
Không ngờ câu chuyện của Mến mấy ngày hôm sau bỗng lan ra khắp
đội. Các cô gái kéo đến chật phòng Mến. Thì thầm. Bàn tán. Tranh cãi.
Phẫn nộ. Mỗi người đều có ý kiến riêng của mình, nhưng chung quy lại, ai
cũng thương Mến, thông cảm với cô. Các cô gái chia làm hai phe rõ rệt:
phe đồng ý để cho Mến đi nạo thai và phe kiên quyết phải giữ lại đứa con
bằng được. Người hăng hái nhất trong phe chống đối, phe giữ số đông áp
đảo, là cô gái tướng đàn ông.
- Mày đừng có nghe cái lão già Khốt xui dại. Lão lãnh đạo nào mà chẳng
muốn bảo mạng, giữ ghế - Cô gái tướng đàn ông đứng trống hông giữa nhà,
tay kia huơ lên.
Mến nhìn bạn như van vỉ:
- Đừng nói thế. Tội nghiệp bác ấy. Bác ấy khong có lòng dạ nào đâu...
- Không có lòng dạ nào, tại sao lại bắt mày đi nạo thai, hả? Như tao đây,
thèm có một đứa con bỏ đời mà đâu có được. Cũng là đàn bà, tại sao có đứa
đẻ không kịp rụng trứng mà khối kẻ nằm mơ cũng không có? Tại sao? hả?