Sullivan cho Helen biết câu chuyện về Ragnhild Kaata, một cô gái người
Na Uy vừa mù vừa điếc dã học nói thành công, Helen bày tỏ với cô giáo
của mình khao khát được học nói như cô gái ấy.
Cô Sullivan cùng với một cô giáo khác tên là Flutter đã bắt đầu dạy Helen
học nói. Họ kết hợp phương pháp giao tiếp qua ngón tay và phương pháp
Tadoma. Theo phương pháp này, Helen đặt tay lên mặt cô giáo cảm nhận vị
trí của lưỡi và môi của cô giáo khi cô giáo phát âm sau đó bắt chước các cử
động ấy để phát âm theo. Háo hức nhưng kiên trì, Helen ngồi hàng giờ
luyện phát âm theo cô giáo. Sau một thời gian ngắn Helen đã thuộc được
các yếu tố của tiếng nói. Lúc đầu Helen phát âm chưa thoát nên chỉ các cô
giáo của cô mới có thể hiểu được những gì cô nói. Nhưng mỗi ngày qua đi,
khả năng của Helen lại được cải thiện rõ rệt.
Nếu học phát âm được một từ chẳng phải là việc đơn giản, thì việc học
được cả câu trọn vẹn là cả một sự gian khổ và mệt nhọc đối với Helen. Sau
khi Helen phát âm được những từ cơ bản, cô giáo của cô đưa cho Helen bộ
chữ nổi in trên những mảnh giấy cứng như một bộ bài. Helen sắp xếp các
mảnh giấy theo các cấu trúc để tạo thành những câu nói đơn giản. Để sắp
xếp được câu: “Con búp bê ở trên giường”, Helen đã để con búp bê của
mình ở trên giường và sắp xếp các từ “búp bê”, “ở”, “trên”, “giường” để cô
dễ hình dung và dễ ghi nhớ câu hơn. Từ học ghép câu, Helen học đọc, học
viết bằng chữ nổi. Khả năng tiếp thu và sự siêng năng của Helen đã đưa cô
tiến xa hơn những gì cô giáo của cô mong đợi. Không chỉ đọc thành thạo
tiếng Anh, Helen còn học đọc được cả tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hi Lạp,
tiếng La tinh bằng hệ thống chữ nổi Braille.
Sau khi theo học ở trường mù Perkin sáu năm, năm 1894 Helen đến New
York vào học trường Wright-Humason dành cho người điếc. Năm 1898
Helen trở về Massachusetts theo học trường Cambridge dành cho nữ sinh.
Năm 1900 Helen bắt đầu theo học trường đại học Radcliffe, trở thành
người mù và điếc đầu tiên tốt nghiệp đại học.