cho rằng nước Pháp nằm dưới quyền kiểm soát của một tập đoàn
tài chính đầu sỏ bao gồm hai trăm gia tộc (les deux cents familles),
một câu chuyện hoang đường song lại có sức thuyết phục mạnh mẽ
đã trở thành khẩu hiệu đấu tranh cho phe cánh tả.
Khi chiến tranh bùng nổ vào năm 1914 và sự tồn vong của quốc
gia bị đe dọa, như tất cả các ngân hàng Trung ương châu Âu khác,
Ngân hàng Trung ương Pháp cũng tự nguyện khuôn mình dưới
quyền sinh sát của chính phủ, và ngoan ngoãn in bất cứ lượng tiền
nào cần để tài trợ cho những khoản chi phí khổng lồ. Song không
như Ngân hàng Trung ương Đức, chỉ trong vài tháng cuối cuộc
chiến, nó đã khôi phục vị thế độc lập của mình và từ chối không bù
đắp lỗ hổng giữa chi tiêu chính phủ và doanh thu thuế thêm nữa.
Tháng Tư năm 1919, Quốc hội ấn định giới hạn đối với số tiền
Ngân hàng có thể ứng trước cho chính phủ và đến tháng Chín năm
1920, Quốc hội tiếp tục áp đặt mức trần 41 tỷ franc đối với lượng
tiền giấy của Ngân hàng được phép có mặt trong lưu thông. Mọi sự
giữ nguyên như vậy cho tới cuộc khủng hoảng năm 1925.
NĂM 1925, Émile Moreau, khi ấy đã năm mươi bảy tuổi, đã phục
vụ năm thứ hai mươi tại Ngân hàng Algeria và tại nhiệm ở vị trí tổng
giám đốc đến năm thứ mười bốn. Ông rất tự hào về những
thành tựu cá nhân: ông đóng vai trò quan trọng trong công cuộc cung
cấp tín dụng cho nền kinh tế Morocco, thúc đẩy sự phát triển của
công nghiệp tại Algeria sau chiến tranh, và phát động một chiến
dịch chống lại nạn cho vay nặng lãi ở Tunisia. Với những thành tích
công tác nói trên, ông đã tích lũy được đủ loại huân, huy chương, bao
gồm Huân chương Thánh Anne của sa hoàng Nga, Huân chương
Isabella Thiên chúa của Tây Ban Nha, Huân chương Leopold II của
Bỉ, và không thể không kể đến Huân chương Bắc Đẩu bội tinh dành
cho bậc chỉ huy. Song bao nhiêu vinh dự nói trên cũng không thể nào