xoa dịu được trái tim ông, ông chưa bao giờ rũ bỏ nổi niềm tin rằng
chức vụ ông được giao phó cũng chỉ là một cái án đi đày biệt xứ.
Suốt bao nhiêu năm trời, ông đã ôm ấp hy vọng về một ngày
được trở lại trung tâm của bộ máy nhà nước, chẳng hạn, ông vẫn duy
trì vị trí của mình với tư cách làm một thành viên tạm vắng của Ban
thanh tra tài chính. Song năm tháng cứ trôi qua mà chẳng thấy tăm
hơi bất cứ quyết định bổ nhiệm mới nào, cuối cùng ông đành an
phận với số mệnh của mình. Năm 1922, ông rời bỏ bộ máy công chức
cao cấp, mặc dù ông vẫn tiếp tục giữ vị trí tổng giám đốc Ngân
hàng Algeria.
Rồi đột nhiên đến tháng Tư năm 1925, chính phủ Herriot dính
vào vụ scandal tại Ngân hàng Trung ương Pháp, có vẻ như thời vận
của Moreau đã tới lúc đổi hướng. Paul Painlevé thành lập một chính
phủ liên minh cánh tả mới và dành vị trí Bộ trưởng Tài chính cho một
nhân vật với bốn kỳ tại nhiệm đã mang lại cho ông tiếng tăm lừng
lẫy trong lĩnh vực tài chính công: sư phụ cũ của Moreau, Joseph
Caillaux.
Ở
một đất nước vốn tai tiếng vì bất ổn chính trị, thì chẳng có
mấy ai lại có một sự nghiệp phong ba bão táp bằng Caillaux. Năm
1920, ông đã bị kết án ba năm tù giam vì gây tổn hại đến an ninh
quốc gia. Song do đã phải ngồi tù La Santé suốt hai năm trời để
chờ ngày xét xử, nên án phạt của ông được giảm nhẹ đi. Bị chính thức
trục xuất khỏi Paris, Caillaux và vợ ông, cô Henriette, đành nương
náu tại thị trấn nhỏ Mamers ở thung lũng Loire. Trong bốn năm
tiếp đó, họ sống lặng lẽ và kín đáo. Mặc dù ông đã viết một cuốn
hồi ký ghi lại những năm tháng ngồi tù và cuốn sách nhanh chóng
trở thành tác phẩm bán cực chạy, song với bóng đen phiên toà xử tội
giết người của vợ cùng cái án phản quốc của chồng lơ lửng trên
đầu, họ bỗng thấy mình chẳng khác nào những kẻ bị xã hội ruồng
bỏ, chẳng những bị mọi người xa lánh, mà còn gặp bao phen cay