Ở
Phố Wall, quan điểm về viễn cảnh của thị trường luôn luôn
không nhất quán. Trong số những người tin tưởng vào một tương
lai sáng sủa có Charles E. Mitchell, giám đốc National City, ngân
hàng lớn nhất của Mỹ, người được đặt cho biệt danh là “Charlie vui
vẻ” bởi sự lạc quan mà ông rất dễ truyền sang người khác. Ông là
một nhà buôn giấu mặt trong hệ thống ngân hàng Mỹ, người đã
biến ngân hàng của mình thành một cỗ máy buôn bán cổ phiếu
khổng lồ. Còn Paul Warburg, một “nhà thông thái” trong giới tài
chính ngân hàng Mỹ, đồng thời là cha đẻ của Cục Dự trữ Liên bang,
thì luôn dự đoán rằng tất cả rồi sẽ kết thúc trong thảm họa; ông
đã đưa ra lời phát biểu đầy sức nặng của mình vào ngày 8 tháng Ba
năm 1929: “Lịch sử, bằng sự lặp lại đau buồn của chính nó, đã dạy
chúng ta rằng sự đầu cơ quá mức tất yếu sẽ dẫn đến sự rút vốn
rất nhanh chóng khỏi thị trường và sau đó là thảm họa”. Ông còn
cảnh báo, nếu sự “lệch lạc” trên thị trường chứng khoán cùng với làn
sóng đầu cơ điên cuồng vẫn không được kiểm soát thì sự sụp đổ
hoàn toàn của thị trường sẽ dẫn đến “một sự suy thoái chung bao
trùm cả nền kinh tế”. Ngay lập tức, ông bị kết tội là kẻ “chọc gậy
bánh xe” và cố tình “cản trở nước Mỹ hướng tới một tương lai thịnh
vượng”.
Thậm chí trong cùng một công ty, các ý kiến cũng rất khác biệt.
Tại tập đoàn Morgan, Thomas Lamont là một tín đồ của Kỷ Nguyên
Mới. Trong khi đó, Russell Leffingwell, một cựu trợ lý Bộ trưởng Tài
chính, người đã trở thành cổ đông của tập đoàn vào năm 1923 thì lại
kết tội Norman và Strong vì đã tạo ra bong bóng chứng khoán.
Tháng Ba năm 1929, rất gần với ngày Warburg đưa ra lời tuyên bố
báo hiệu điềm gở của mình, Leffingwell đã dự đoán trước với
Lamont, “Monty và Ben đã gieo gió, tôi đồ là rồi chúng ta sẽ gặt
bão thôi… Chúng ta sắp phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ
toàn cầu.”