nhận rủi ro về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì chính
phủ của ông lại hoàn toàn không nghĩ thế. Sợ rằng Đức sẽ lại một
lần nữa bị gạt sang một bên, nội các đã buộc ông phải từ bỏ quan
điểm của mình công khai và cương quyết bắt ông quay trở lại Paris
để nối lại các cuộc đàm phán trên cơ sở đề nghị mới nhất của phe
Đồng minh. Ông miễn cưỡng chấp nhận với điều kiện nội các đưa
ra một sự bảo đảm chính trị cho ông với việc công khai thừa nhận
trách nhiệm cuối cùng cho bất cứ giải pháp nào. Schacht không hề
có ý định trở thành kẻ chịu trận để gánh lấy tội mà những người dân
tộc chủ nghĩa cho là phản bội.
Phái đoàn Đức quay trở lại bàn đàm phán. Đến giữa tháng Năm,
các phiên họp lại bị đình lại thêm vài ngày – mặc dù lần này nhờ nó
mà Moreau đã kịp trở về tranh cử chức thị trưởng tại vùng quê Saint
Léomer nhỏ bé của mình. Vài tuần sau đó, các bên đã đạt được thỏa
hiệp. Đức sẽ phải trả xấp xỉ 500 triệu đô-la trong vòng ba mươi sáu
năm sau đó và 375 triệu đô-la mỗi năm trong vòng hai mươi hai năm
tiếp theo để trang trải khoản nợ của phe Đồng minh đối với Mỹ.
Một ngân hàng mới, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank of
International Settlement – BIS) do tất cả các ngân hàng Trung ương
đồng sở hữu, sẽ được thành lập để quản lý và khi có thể sẽ “thương
mại hóa” các khoản thanh toán trong tương lai này – thuật ngữ hiện
đại gọi là ”chứng khoán hóa” (securitize) – có nghĩa là phát hành trái
phiếu được bảo đảm bởi các khoản thanh toán nói trên. Bất cứ
khoản lợi nhuận nào do Ngân hàng này mang lại đều sẽ được dồn
cho Đức để giúp trang trải gánh nặng nợ nần. Tất cả sự kiểm soát
của nước ngoài lên nền kinh tế Đức sẽ bị dỡ bỏ - Gillbert có thể
đóng gói hành lý và gia nhập tập đoàn Morgan. Điều khoản ưu tiên
chuyển nợ bị hủy bỏ, tuy nhiên vẫn còn một van an toàn được duy trì
mà nhờ đó, khi kinh tế Đức gặp khó khăn, nước này có thể hoãn hai
phần ba các khoản thanh toán trong thời hạn hai năm.