cho gia đình lúc nào cũng “như đứng đống lửa như ngồi đống rơm”. Để khỏi phải rơi vào tình
cảnh nợ như chúa Chổm, vợ chồng bạn hãy đối mặt với các khoản nợ nần để tìm cách thoát ra
khỏi chúng càng sớm càng tốt.
ĐỀ RA PHƯƠNG ÁN THANH TOÁN NỢ ĐỂ KHỎI LÂM VÀO TÌNH CẢNH LÃI MẸ ĐẺ LÃI CON.
QUY TẮC 52
CHI TIÊU TRONG KHOẢN TIỀN KIẾM ĐƯỢC
Sở dĩ có quy tắc tưởng như không cần thiết này bởi vì trên thực tế có rất nhiều cặp vợ chồng
sống rất vương giả trên một núi của cải không phải do họ kiếm được. Nhìn bề ngoài, trông họ
rất hãnh diện với những thứ đồ đắt tiền nhưng thực chất tình hình tài chính của gia đình họ
giống như bong bóng xà phòng, chúng có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Ngay từ các quy tắc đầu tiên, tôi đã lưu ý các bạn về việc phải biết mình có bao nhiêu tiền và
tiền từ đâu mà có. Đó là một cách lượng sức mình để giữ an toàn tài chính gia đình. Các ngân
hàng ngày càng mở rộng cửa cho những khoản vay để mua nhà, mua xe ôtô. Vợ chồng bạn
bước vào đấy dễ, nhưng thoát ra thì khó, nếu như các bạn không có khả năng thanh toán nợ
nần. Đừng chuốc thêm phiền phức vào gia đình chỉ vì chi tiêu vượt quá thu nhập thực tế của
các bạn.
Vợ chồng bạn nên đặt ra những giới hạn chi tiêu. Nếu một trong hai người có thói quen vung
tay quá trán thì người kia phải có nhiệm vụ nhắc nhở. Tôi có một ông anh rể luôn mua cho mọi
người những món đồ rất đắt tiền. Nhiều lần được tặng quà có giá trị lớn, tôi cảm thấy có điều
gì đó bất an cho gia đình anh chị. Tôi hỏi chị gái: Không biết mỗi tháng anh chị kiếm được bao
nhiêu tiền mà mua hàng xa xỉ vậy? Chị tôi cười buồn, bảo rằng chị đang cố gắng điều chỉnh sự
phung phí tiền bạc của chồng mà chưa tìm ra cách nào. Nếu không biết thu nhập thực tế của
anh chị, nhiều người cứ nghĩ anh rể tôi là một đại gia. Được coi là đại gia cũng đáng để tự hào
lắm. Nhưng chị tôi thà được là vợ của một người bình thường còn hơn cứ phải đóng vai “bà
lớn” khi trong lòng luôn phấp phỏng với những khoản chi vượt mức chịu đựng đối với ngân
sách eo hẹp của gia đình.
ĐỪNG CHUỐC THÊM PHIỀN PHỨC CHỈ VÌ CHI TIÊU VƯỢT QUÁ THU NHẬP THỰC TẾ CỦA
HAI VỢ CHỒNG
QUY TẮC 53
MƯỜI BỮA CƠM RAU, MỘT BỮA TIỆC
Hầu như từ đầu đến giờ tôi toàn nói chuyện tiết kiệm. Tôi sợ rằng các bạn sắp bước vào hôn
nhân sẽ thấy nản vì cảm thấy nếu cứ bó mình vào những bản thống kê thu chi thì cuộc sống
thật tẻ nhạt. Chẳng lẽ lúc nào cũng phải nhắc nhau đừng vung tay quá trán, trong khi hai vợ
chồng cần những phút thăng hoa để làm mới không khí hôn nhân?
Nếu các bạn đọc kỹ các quy tắc thì sẽ thấy rằng tôi vẫn nhắc đến những trường hợp được
phép tiêu tiền thoải mái! Lên được kế hoạch chi tiêu hợp lý thì một tháng đôi lần các bạn có
thể kéo cả nhà đi ăn cơm ở nhà hàng, một năm đi nghỉ xả hơi một tuần…Vấn đề là trong khoản
tài chính có hạn, các bạn nên áp dụng phương án mười bữa cơm rau để đổi lấy một bữa cơm đệ
nhất.
Đây là cách mà thầy giáo tôi áp dụng suốt cả thời sinh viên của ông. Để khám phá cuộc sống
của giới quý tộc, ông chấp nhận tiết kiệm việc ăn uống suốt tuần, rồi cho phép mình vung một
bữa tại những tiệm cơm sang trọng nhất. Được thưởng thức các món ăn ngon, lạ, được hưởng
cảm giác của một người không phải lo nghĩ về đồng tiền, đối với một sinh viên như ông thì
không gì thú bằng.
Vợ chồng, con cái các bạn cũng có quyền một vài lần vung phí như thầy giáo tôi bằng cách
thu hẹp chỗ này để nới rộng chỗ khác. Một cặp vợ chồng mà tôi quen có mức thu nhập trung
bình. Nhưng cả nhà họ chẳng lạ lẫm gì với những khu vực mua sắm mà hầu như chỉ có triệu