Càng ngày người ta nhận thấy tương lai của đứa trẻ càng tùy thuộc
vào giải pháp dành cho những mặc cảm này, dù tự thân chúng là tự nhiên
nhưng đòi hỏi phải được giải quyết một cách thật hài hòa.
LIỆU PHÁP TÂM PHÂN HỌC
Thông thường người bệnh nhân được cho nằm dài (chẳng hạn trên
một đi văng) trong tình trạng thư giãn nhất. Nhà tâm lý ngồi phía sau bệnh
nhân, để không làm cho người đó chú ý. Đến lúc đó, chủ thể được yêu cầu
“cho não bộ hoạt động”; và ”tuôn ra” tất cả những gì người đó đang nghĩ
trong đầu. Chủ thể không được (nhất là) “sắp xếp” những ý nghĩ của mình
hoặc nối kết chúng lại cho hợp lý. Tất cả mọi thứ phải được nói ra ngay lúc
người đó đang nghĩ. Nó giống như một loại khuynh hướng “siêu thực tinh
thần”. Đương nhiên lúc đầu sẽ không tránh khỏi có những im lặng hoặc do
dự, bởi vì người đó đôi khi phải đấu tranh giữa những gì người đó nghĩ và
đạo lý của bản thân. Nhưng người đó phải hiểu nhà tâm lý hoàn toàn khách
quan, và ông ta không bao giờ cảm thấy chướng tai với những gì ông ta
nghe được, vì ông ta coi mọi thứ tự nhiên như cái ăn hay cái uống vậy.
Ông ta không bao giờ nghĩ đến việc đưa ra bất cứ một phán xét nào.
Nếu không, ông cũng sẽ giống như nhà phẫu thuật bị dao động trước một
vết thương! Lần hồi, một ý nghĩa bắt đầu được hình thành từ những lời nói
rời rạc kia. Tiểu sử bệnh lý, thời thơ ấu, các bậc cha mẹ, những dồn nén,
xung động, kinh nghiệm đau khổ, tình dục… Tất cả những thứ đó bị hòa lẫn
với vô số điều ngẫm nghĩ hỗn độn, do dự, hung hãn, những im lặng dài.
Và đến khi cần, nhà tâm phân học mới can thiệp vào. Việc diễn giải
thật sự bắt đầu. Không cần phải nói nhà tâm phân học phải là một người rất
rành về tâm lý con người? Phân tích tâm phân học đôi khi rất khó chịu đối
với bệnh nhân, bởi vì lúc này là thời điểm mà toàn bộ đáy hồ trồi lên mặt
nước. Đứng trước một bệnh nhân lo âu hoặc tức giận, người ta cần phải tạo
ra một không khí nhân từ vô biên cũng như tính khách quan tuyệt đối.
Tuy nhiên, liệu pháp tâm phân học đòi hỏi vài điều kiện: