Vì vậy mặc cảm này giải nghĩa rõ tên của nó! Đối với đứa anh lớn,
đứa em trai (một cách vô thức) tượng trưng cho một đối thủ. Sẽ là điều
thường tình khi nó muốn loại đối thủ đó. Điều này cho thấy, ở ngoài mặt, có
sự khiêu khích, chế giễu (để loại đứa em bằng cách làm cho nó mất thể
diện), tranh đua, tranh giành quyết liệt, cãi cọ và đôi khi cả hận thù.
Mặc cảm này có thể tự triệt tiêu, hoặc trở thành chứng rối loạn thần
kinh với sự biểu hiện của mặc cảm tự ti, tội lỗi, bất lực, thù nghịch.
Việc triệt tiêu phần lớn tùy thuộc cha mẹ và thiên hướng của đứa trẻ.
Tôi sẽ nói lại vấn đề này trong mục “Mặc cảm tự ti”.
Đôi khi mặc cảm này biến đổi sang một dạng khác: khi đứa anh lớn
che chở đứa em trai mình. Như vậy, đứa em sẽ thua kém, người anh vẫn giữ
vai trò chủ yếu với cha mẹ. Và trò chơi này cứ tiếp diễn… mà điều cốt yếu
là làm sao tránh được mặc cảm tự ti và thua kém nhưng lần này là của đứa
em…
Ba Mặc cảm chủ yếu vừa được nêu trên phải được xem là tự nhiên
mỗi khi chúng xuất hiện. Sự phát triển của chúng, phần lớn, tùy thuộc vào
không khí gia đình.
Chẳng hạn với Mặc cảm OEdipe, nó sẽ mau chóng biến mất nếu đứa
con trai có một người cha có nam tính bình thường và một người mẹ có nữ
tính tự nhiên. Nhưng nó sẽ có nhiều cơ hội để phát triển nếu người cha quá
nhu nhược còn bà mẹ thì quá bám víu, như chúng ta đã thấy.
Những mặc cảm này cũng sẽ được giải quyết bằng sự ức chế. Một
đứa con trai có nhiều xung động hung tính đối với đứa em trai mình, và sẽ
ức chế những xung động đó. Tùy theo hoàn cảnh mà sự ức chế này có thể là
tự nhiên hoặc trở thành chứng rối loạn thần kinh (tùy theo mức độ và thời
gian).
Sự trưởng thành sẽ bị cản trở; làm xuất hiện tính nhút nhát, hung
tính, lo hãi, trốn khỏi nhà. Vài rối loạn của cá tính có thể dẫn đến tội phạm.