b) bởi một kỹ thuật viên tâm lý học để xác định cá tính và các khả
năng trí tuệ.
Người ta muốn biết người này là ai. Biết sự cân bằng, cảm tính, tính
dễ bị kích thích, tính khí cơ bản, các mặc cảm của anh ta, v.v… Và từ đó,
người ta “chọn lựa” có nghĩa là người ta hướng cá thể đó đến một ngành
này hoặc ngành kia trong xã hội; hoặc người ta cho biết nghề mà người đó
chọn có thích hợp với anh ta không.
CÁC TRẮC NGHIỆM
Từ này chỉ định các bài trắc nghiệm kỹ thuật tâm lý. Và sau đây là
định nghĩa: “Đây là một thử nghiệm được xác định, bao hàm một công việc
phải được thực hiện, đồng nhất cho tất cả các chủ thể được khám nghiệm,
với một kỹ thuật chính xác để đánh giá sự thành công hoặc thất bại, hoặc
cho điểm về mặt thành công”. Các trắc nghiệm có thể được xếp loại theo
nhiều cách khác nhau, mà sau đây là những cách chính:
a) các trắc nghiệm mà chủ thể phải trả lời bằng viết cho những câu
hỏi được đặt ra.
b) các trắc nghiệm mà chủ thể phải làm một thao tác thủ công.
c) các trắc nghiệm nghiên cứu theo chiều sâu, về sự mau lẹ và mức
độ của trí thông minh.
d) các trắc nghiệm thể hiện nhân cách, các quan tâm sâu lắng, cá
tính, các mặc cảm, v.v…
Việc áp dụng các trắc nghiệm
Chính trong môn tâm lý học ứng dụng mà các trắc nghiệm tìm thấy
phạm vi hoạt động lớn nhất (trong các lãnh vực sư phạm, công nghiệp, tội
phạm, v.v…) Tuy nhiên chúng ta không nên xem trắc nghiệm là bản chất
của tâm lý học! Nó chỉ đơn thuần là một kỹ thuật hỗ trợ. Trắc nghiệm là một
công cụ thí nghiệm, có thể đi từ sự ngớ ngẩn hoàn toàn cho đến sự thấu hiểu
rành mạch một con người.