Làm cách nào bạn giải quyết một vấn đề như Triều Tiên? Không, bạn
không thể, bạn chỉ kiềm chế nó mà thôi - xét cho cùng, có rất nhiều thứ đang
diễn ra trên thế giới này cần được lưu tâm cấp bách hơn.
Toàn bộ khu vực trải từ Malaysia đến cảng Vladivostok của Nga đều
căng thắng theo dõi vấn đề Bắc/Nam Triều Tiên. Tất cả các nước láng giềng
đều biết rằng vấn đề đó có tiềm năng nổ bùng vào mặt họ, làm liên lụy đến
nước họ và gây tổn hại cho nền kinh tế của họ. Trung Quốc không muốn
đánh nhau thay cho Bắc Triều Tiên, nhưng cũng không muốn một nước
Triều Tiên thống nhất, chứa chấp các căn cứ Hoa Kỳ gần biên giới của mình.
Hoa Kỳ không thực sự muốn đánh nhau cho Hàn Quốc, nhưng họ cũng
không chấp nhận bị coi là kẻ bỏ rơi bạn bè. Nhật Bản, với lịch sử can dự lâu
dài vào bán đảo Triều Tiên, cần cho thiên hạ thấy họ bước đi rón rén, vì biết
rằng bất cứ điều gì xảy ra điều có thể sẽ kéo họ vào cuộc.
Giải pháp là thỏa hiệp, nhưng món đó không được thích thú lắm tại
Hàn Quốc, còn giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên thì chẳng hề đoái hoài. Con
đường phía trước không hoàn toàn rõ ràng; có vẻ như nó luôn luôn khuất
dạng sau đường chân trời.
Trong suốt mấy năm, Hoa Kỳ và Cuba đã lặng lẽ nhảy một vũ điệu vờn
quanh nhau, buông ra những gợi ý rằng họ muốn điệu tango không bị rối
chân, và dẫn đến bước đột phá trong việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao vào
tháng Bảy năm 2015. Bắc Triều Tiên lại khác, họ trừng mắt trước mọi lời
mời mọc từ những kẻ mời họ lên sàn nhảy, thỉnh thoảng lại làm mặt hằm hè.
Bắc Triều Tiên là một đất nước nghèo khổ với ước tính hai lăm triệu
dân, lãnh đạo bởi một chế độ quân chủ, được Trung Quốc hỗ trợ, một phần
vì lo sợ hàng triệu dân tị nạn sẽ tràn vào miền bắc qua sông Áp Lục (Yalu).
Hoa Kỳ lo rằng việc rút quân sẽ gửi đi một tín hiệu sai lầm và khuyến khích
chủ nghĩa phiêu lưu của Bắc Triều Tiên, do đó tiếp tục đồn trú gần ba mươi
ngàn quân tại Hàn Quốc. Còn Hàn Quốc, với cảm xúc lẫn lộn về việc phải