trò chơi chung cuộc, trong đó hoặc Bắc Triều Tiên trở thành một lực lượng
vũ trang hạt nhân hoàn bị, hoặc Hoa Kỳ sẽ can thiệp để ngăn chặn họ.
Không ai được lợi nếu để xảy ra một cuộc chiến tranh lớn nữa tại Triều Tiên,
vì cả hai bên đều sẽ bị tàn phá, nhưng điều đó đã không ngăn được các cuộc
chiến tranh trong quá khứ. Năm 1950, khi Bắc Triều Tiên vượt qua vĩ tuyến
38, nước này đã không dự đoán được một cuộc chiến tranh ba năm với bốn
triệu người chết, rồi kết thúc trong thế bế tắc. Một xung đột tổng lực vào
thời điểm hiện nay thậm chí có thể còn thảm khốc hơn. Nền kinh tế của Hàn
Quốc mạnh gấp tám mươi lần Bắc Triều Tiên, dân số của nước này gấp hai
lần và lực lượng vũ trang Hàn Quốc và Hoa Kỳ kết hợp lại gần như chắc
chắn sẽ áp đảo Bắc Triều Tiên, giả dụ rằng Trung Quốc không quyết định
tham chiến nữa.
Và sau đó là gì? Đã có kế hoạch nghiêm túc có giới hạn cho một tình
huống như vậy. Hàn Quốc được cho là đã chạy một số mô hình trên máy
tính về những gì có thể cần phải làm, nhưng nhìn nhìn chung người ta chấp
nhận rằng tình hình sẽ là hỗn loạn. Các vấn đề gây ra bởi tình huống Triều
Tiên sụp đổ hay nổ tung sẽ nghiêm trọng hơn bội phần nếu nó xảy ra như là
kết quả của một cuộc chiến. Nhiều quốc gia sẽ bị ảnh hưởng và sẽ phải đưa
ra quyết định. Kể cả khi Trung Quốc không muốn can thiệp vào cuộc chiến,
nhưng nước này có thể quyết định phải vượt qua biên giới và cứu vãn Bắc
Triều Tiên để làm một vùng đệm giữa họ và các lực lượng Hoa Kỳ. Họ có
thể quyết định rằng một Triều Tiên thống nhất, liên minh với Hoa Kỳ, liên
minh với Nhật Bản, sẽ là mối đe dọa tiềm tàng quá mức cho phép.
Hoa Kỳ sẽ phải quyết định băng qua khu phi quân sự bao xa và liệu có
nên tìm kiếm và chiếm tất cả các địa điểm có chứa vũ khí hạt nhân và vũ khí
hủy diệt hàng loạt khác của Bắc Triều Tiên hay không. Trung Quốc sẽ có
mối quan tâm tương tự, đặc biệt là khi một số cơ sở hạt nhân chỉ cách biên
giới của nước này ba mươi lăm dặm.