vào nguồn năng lượng nước ngoài để đáp ứng cho nhu cầu nội địa, và vì vậy
họ theo dõi sát sao các tuyến đường biển của toàn vùng. Hàn Quốc đã dành
nhiều thời gian để tạo dựng quan hệ nước đôi, đầu tư vốn liếng ngoại giao
vào các mối quan hệ gần gũi hơn với Nga và Trung Quốc, nhiều đến mức
gây khó chịu cho Bình Nhưỡng.
Một tính toán sai lầm của bên này hay bên kia đều có thể dẫn đến một
cuộc chiến tranh, vừa gây những tác động tai hại đối với người dân của bán
đảo, vừa có thể phá hủy nền kinh tế của khu vực, với các hiệu ứng lan tỏa
lớn tác động đến nền kinh tế Hoa Kỳ. Cái bắt đầu với việc Hoa Kỳ bảo vệ
lập trường Chiến tranh Lạnh chống Nga đã phát triển thành một vấn đề có
tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế của nước này và của một số
quốc gia khác.
Hàn Quốc vẫn có những vấn đề với Tokyo liên quan đến sự chiếm đóng
của Nhật Bản trước đây, và ngay cả trong những lúc tốt đẹp nhất, một điều
thật hiếm hoi, mối quan hệ đó cũng chỉ ở mức thân thiện. Đầu năm 2015,
khi Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng ngồi xuống bàn bạc chi tiết về một
thỏa thuận chia sẻ tin tức tình báo quân sự mà họ từng thu thập được ở Bắc
Triều Tiên, Seoul cho biết họ sẽ chỉ chuyển một lượng thông tin mật hạn chế
tới Tokyo thông qua Washington. Họ sẽ không giao dịch trực tiếp với Nhật
Bản.
Hai nước vẫn còn tranh chấp lãnh thổ về phần đất mà Hàn Quốc gọi là
quần đảo Dokdo (Độc đảo) và Nhật Bản gọi là đảo Takeshima (Trúc đảo).
Hàn Quốc hiện đang kiểm soát các mỏm đá nhô, nằm trong vùng đánh cá
thuận lợi, và có thể có trữ lượng khí đốt. Bất chấp cái gai này vẫn mắc vào
bên sườn họ, và bất chấp những ký ức còn tươi mới về cuộc chiếm đóng, cả
hai đều có lý do để hợp tác và bỏ lại đằng sau quá khứ khôn nguôi.
Lịch sử Nhật Bản rất khác với lịch sử của Hàn Quốc, và điều đó một
phân là do địa lý của nước này. Người Nhật là giống dân đảo, với đa số