Thư Cầm gọi điện tới khuyên anh xóa hết những thông tin đã đưa lên
mạng, cô nói: “Anh không thấy phản ứng gì còn đỡ. Giờ anh phản ứng lại,
bọn họ càng được thể. Những người đó rặt một lũ được thuê để lan truyền
thông tin, việc gì anh phải đôi co với chúng? Anh công khai bệnh án của
mình như vậy, ngoài việc lộ hết thông tin cá nhân ra, chẳng có tác dụng gì
hết.”
Nhiếp Vũ Thịnh nói: “Anh cứ nghĩ công chúng có điểm dừng và quan
điểm đạo đức cơ bản, nhưng mấy ngày nay, anh vô cùng thất vọng.”
“Trên mạng đều là nặc danh, ai cũng có khả năng trở thành thành phần
quá khích, vì chẳng ai phải chịu trách nhiệm về những điều mình nói trên
đó cả. Hơn nữa, rất nhiều những kẻ yếu đuối ngoài đời bèn lên mạng hùng
hổ phát tiết để được thỏa mãn tâm lý. Anh là con nhà đại gia, lại là bác sĩ,
chỉ hai điều đó thôi cũng đủ để người khác đố kỵ rồi.”
“Giờ anh đã không còn là bác sĩ nữa rồi, họ còn muốn gì đây?”
“Muốn anh thân bại danh liệt chứ sao, có kẻ còn nói tốt nhất Trung
Quốc nên khôi phục lại hình phạt lăng trì tùng xẻo, kinh tởm chưa, những
kẻ đó tự cho mình là quan tòa đạo đức, hơi một tí là phán xét người khác,
nhưng lại không chịu cúi xuống mà xem lại bản thân mình. Có điều đó toàn
là những phần tử chuyên kích động ở các công ty truyền thông mạng mà
thôi, chứ em tin đa phần mọi người vẫn lương thiện và lý trí.”
Đến khi dư luận dậy sóng, náo động cả lên, Chủ nhiệm Phương cũng
nhịn hết nổi, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông nói: “Tôi đã
đứng bàn mổ suốt 30 năm qua, từ khi lương tháng vỏn vẹn mười mấy tệ,
đến bây giờ lương tháng cũng chỉ được vài ngàn tệ. Từng ấy năm, số bệnh
nhân tim được tôi cứu sống không phải là vài nghìn thì cũng chẳngài trăm,
tôi chưa từng nhận phong bì của bệnh nhân hay lấy tiền hoa hồng bán thuốc
bao giờ. Cuối cùng, vì cái chết ngoài ý muốn của một bệnh nhân mà dư
luận đòi đánh đòi giết cả tôi lẫn khoa Ngoại Tim mạch của bệnh viện. Mấy